|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Indonesia giảm hơn 1/3 số lượng doanh nghiệp nhà nước

02:00 | 05/03/2021
Chia sẻ
Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN), ông Erick Thohir, cho biết số lượng BUMN đã được cắt giảm từ mức 142 xuống chỉ còn 41 trong một năm rưỡi vừa qua trong một nỗ lực nhằm chuyển đổi các công ty quốc doanh.

Ngày 3/3, phát biểu tại Diễn đàn các nhà đầu tư MNC năm 2021, Bộ trưởng Erik cho biết, Indonesia đã thành công trong việc giảm số lượng BUMN từ 142 xuống 41 và giảm số lượng cụm BUMN từ 27 xuống 12 vào thời điểm này.

Ông Erick cho rằng BUMN có vai trò chiến lược trong việc phát triển nền kinh tế Indonesia. Với tổng tài sản lên tới 650 tỷ USD, việc chuyển đổi quản lý các doanh nghiệp này là chương trình nghị sự chính của Bộ BUMN.

Bộ trưởng Erick nhấn mạnh cam kết chuyển đổi các BUMN "có trách nhiệm, chuyên nghiệp và minh bạch hơn", thông qua 5 trụ cột trong đó có việc hợp tác với khu vực tư nhân để hình thành hệ sinh thái. Từ đó, lợi ích kinh tế từ các dự án do BUMN thực hiện có thể được cảm nhận rộng rãi hơn.

Ông Erick khẳng định Bộ BUMN hoàn toàn nhận thức được rằng để có tác động thực sự, cần cải thiện hiệu quả hoạt động của các BUMN. Và để mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia cần đón nhận khu vực tư nhân để tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm của họ.

Từ lâu nay, Indonesia dựa vào các BUMN để thực hiện chương trình nghị sự kinh tế bao gồm xây dựng cảng, đường bộ và sân bay, điều khiến các doanh nghiệp này phải gánh các khoản nợ khổng lồ. Tháng 10/2019, Tổng thống Joko Widodo đã bổ nhiệm nhà tài phiệt Erick làm Bộ trưởng BUMN với sứ mạng xây dựng các BUMN có khả năng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.

Ông Erick vốn là cổ đông của hai câu lạc bộ bóng đá Inter Milan và D.C. United cùng đội bóng rổ Philadelphia 76ers đã cam kết cải tổ các BUMN thông qua hình thức sáp nhập, giải thể và thu hẹp hoạt động của các cơ sở này. 

Kể từ khi nhậm chức, ông đã lên kế hoạch, đồng thời hợp tác với công ty tư vấn McKinsey và tập đoàn đầu tư Boston nhằm cải tổ các BUMN với tổng doanh thu lên tới 172 tỷ USD mỗi năm.

Hữu Chiến

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.