IMF: Kinh tế toàn cầu càng trì trệ, thương mại càng bị kìm hãm
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được công bố ngày 4/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt ở 3,1% và 3,4% trong giai đoạn 2016 – 2017. Cả hai dự báo đều không đổi so với dự báo hồi tháng 4/2016.
Bảng tóm tắt dự báo tăng trưởng kinh tế các khu vực của IMF. Ảnh: IMF |
Trong đó, các nền kinh tế phát triển dự báo chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm 2016 – thấp hơn dự báo 1,8% hồi tháng 7/2016.
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 1,6% trong năm 2016 do doanh nghiệp hạn chế đầu tư trong nửa đầu năm nay và tồn kho hàng hóa bị giải phóng chậm. Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2017 ở 2,2% nhờ giá năng lượng xuống thấp trong khi đà tăng của USD chậm lại. Theo IMF, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên tăng lãi suất từ từ khi lương bổng và giá tiêu dùng có xu hướng ổn định trong dài hạn.
Một yếu tố khác cũng kéo giảm triển vọng các nền kinh tế phát triển là sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. IMF cho rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu nên duy trì lập trường về chính sách nới lỏng tiền tệ phù hợp. Việc tăng cường nới lỏng thông qua các đợt mua tài sản có thể sẽ cần thiết nếu lạm phát không thể tăng trở lại. Kinh tế khu vực đồng euro theo đó được dự báo sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay và 1,5% trong năm 2017.
Đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, IMF dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ lần lượt tăng trưởng 0,5% và 0,6% trong giai đoạn 2016 – 2017. Trong ngắn hạn, việc chính phủ tăng cường chi tiêu cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong trung hạn, Nhật Bản sẽ chịu hậu quả từ tình trạng quy mô dân số suy giảm.
Ngược lại, đối với khối thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lần đầu tiên trong 6 năm qua, ở 4,2% trong năm 2016 và 4,6% trong năm tiếp theo. Trong đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng của năm 2016 thêm 0,1 điểm %.
“Tình hình tài chính thế giới và triển vọng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả tái cơ cấu và tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc,” IMF cho biết.
Với Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục chuyển dịch nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào đầu tư và công nghiệp, hướng tới tập trung vào tiêu dùng và dịch vụ. Chính sách này có thể kéo giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nhưng sẽ giúp Trung Quốc xây dựng được nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc nên tiếp tục thắt chặt dòng tín dụng đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đồng thời hạn chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước đang “ngấp ngoái”, IMF nhận định. Quỹ dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay trước khi chậm hẳn lại ở 6,2% trong năm 2017.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định ở 7,6% trong giai đoạn 2016 – 2017 – mức tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế lớn trên thế giới. IMF thúc giục chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế và gỡ bỏ các chính sách trợ giá để tập trung đầu tư vào hạ tầng, giáo dục và y tế.
"Nếu không có chính sách hành động quyết liệt để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong cả ngắn và dài hạn thì kinh tế toàn cầu nguy cơ vẫn sẽ tăng trưởng trì trệ như thời gian gần đây," chuyên gia kinh tế trưởng Maurice Obstfeld tại IMF nhận định.
Trong đó, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, ngân hàng trung ương của các nước phát triển cần phải duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, theo IMF. Tất nhiên, nếu chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ thì kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi nhanh chóng do tăng trưởng năng suất thấp và dân số ngày càng già hóa.
Các chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, công nghệ và hạ tầng để cải thiện khả năng sản xuất và xóa bỏ bất bình đẳng. Một số quốc gia nên dựa vào cải cách cơ cấu để tăng cường lực lượng lao động trong xã hội và giảm rào cản thuế quan đối với nước ngoài để thúc đẩy thương mại.
Theo IMF, nếu kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm chạp, hoạt động thương mại sẽ càng bị kìm hãm, từ đó ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, năng suất làm việc và cải tiến công nghệ.