|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

IEA: Ô nhiễm không khí tăng năm thứ hai liên tiếp, dự báo đạt đỉnh từ năm 2040

18:18 | 13/11/2019
Chia sẻ
2018 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp mức phát thải khí nhà kính tăng và tình trạng ô nhiễm không khí dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2040 nếu chính phủ các nước không hành động mạnh mẽ để hạn chế mức phát thải.
1

Những cột khói cao ngất bay ra từ các nhà máy nhiệt điện than. (Ảnh: Bloomberg)

Các phát hiện trong báo cáo thường niên về lĩnh vực năng lượng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã vẽ ra một tương lai không mấy tươi sáng cho những nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu của thế giới và đánh dấu một bước thụt lùi trong phong trào bảo vệ môi trường vốn đang ghi nhận nhiều chuyển biến đáng chú ý.

Thời hạn của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khó hoàn thành

IEA từng cho biết mức phát thải khí nhà kính sẽ phải bắt đầu giảm gần như ngay lập tức để đưa thế giới đến gần hơn với mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kì trước Cách mạng Công nghiệp, như thể hiện trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, kịch bản khả dĩ nhất của IEA hiện nay cho thấy mức phát thải ròng không thể chạm ngưỡng 0 ít nhất là cho đến năm 2070, hay 20 năm sau thời hạn mà các nhà khoa học đã đề xuất (năm 2050).

Trong báo cáo thường niên công bố hôm 13/11, IEA cho biết tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu điện tăng và hiệu quả sử dụng năng lượng thấp đã góp phần khiến mức phát thải khí CO2 tăng 1,9% vào năm 2018.

Screenshot (262)

Nguồn: Bloomberg/IEA, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2019

Đây còn là một dấu hiệu khác cho thấy những nỗ lực nhằm đưa thế giới tránh xa nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra quá chậm và chưa có tác động lớn đến mục tiêu bảo vệ môi trường.

Cơn khát nhiệt điện than ở các nước đang phát triển

Trong khi các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và gió bùng nổ, cơn khát năng lượng ở các nước đang phát triển cũng thúc đẩy việc tiêu thụ than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm bầu khí quyển.

Phong trào biểu tình trên khắp thế giới, với khẩu hiệu chỉ trích chính phủ thụ động và không quyết liệt hành động trước tình trạng biến đổi khí hậu, đã thúc đẩy các nhà lập pháp đặt ra mục tiêu phát thải 0%, đặc biệt là tại châu Âu.

Mục tiêu của họ là cân bằng tăng trưởng ở các nước đang phát triển với việc triển khai công nghệ giúp xử lí các vụ ô nhiễm môi trường không thể tránh khỏi được.

Mặc dù các phong trào này đã thu hút sự chú ý ở các nước phương tây, nhiều quốc gia châu Á và châu Phi vẫn tiếp tục theo đuổi các loại năng lượng bẩn để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Ngay cả khi các cường quốc công nghiệp nỗ lực để loại bỏ than đá, các nước đang phát triển vẫn xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện hơn. Ảnh hưởng của những cơ sở này sẽ còn kéo dài vì nhà máy nhiệt điện than thường có tuổi thọ hàng chục năm.

1

Hai biểu đồ cho thấy các kịch bản khả thi nhất của IEA về mức phát thải khí nhà kính từ ba loại nhiên liệu hóa thạch chính. Ở bên trái, mức độ ô nhiễm từ dầu mỏ và khí đốt tăng cho đến năm 2040, trong khi của than đá gần như ổn định. Kịch bản này phản ánh chính sách năng lượng hiện tại của chính phủ các nước. Ở bên trái, IEA chỉ ra mức giảm phát thải cần thiết để hoàn thành mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc. (Nguồn: IEA, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2019)

2018 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp nhu cầu than đá trên toàn cầu tăng, trong đó 3/4 nhu cầu đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu chính sách sử dụng than đá trên thế giới không thay đổi, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong hai thập kỉ tới, IEA nhấn mạnh.

Kịch bản xấu nhất còn ở phía trước: Ô nhiễm không khí chưa đạt đỉnh

Báo cáo năm nay của IEA cũng đặt dấu chấm hết cho ý tưởng rằng ô nhiễm không khí đã đạt đỉnh. Trong giai đoạn 2014 - 2016, mức phát thải khí CO2 đã chững lại. Tuy nhiên, nó tăng trở lại vào năm 2017 và một lần nữa vào năm ngoái, theo số liệu mới nhất do IEA tổng hợp.

IEA cho biết việc cắt giảm phát thải khí nhà kính nhanh chóng là rất cần thiết để giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng vượt quá ngưỡng 2 độ C. Nếu ô nhiễm đạt đỉnh lúc này, xác suất mà thế giới có thể duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 1,8 độ C là 66%.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, khẳng định mục tiêu trên đòi hỏi sự tập trung cao độ để giảm mức phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Trong kịch bản khả dĩ nhất, IEA dự đoán thể giới có thể đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2070, khoảng hai thập kỉ sau thời hạn mà các nhà khoa học Liên Hợp quốc xác định là phù hợp để tránh ảnh hưởng tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.

"Toàn bộ hệ thống giảm phát thải đang có vấn đề khi mà đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục tăng, trong khi theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mức phát thải phải giảm về ngưỡng 0 vào năm 2050", bà Mette Kahlin McVeign, Giám đốc Chương trình Khí hậu của tổ chức nghiên cứu Fores (Thụy Điển), cho biết.

"Các chính sách hiện quá yếu kém hoặc thế giới không tin rằng họ cần phải thay đổi", bà nói.

IEA nhấn mạnh về sự cần thiết của công nghệ cô lập carbon trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Chính phủ và ngành công nghiệp năng lượng từng "mạnh miệng" nói về việc cần công nghệ hút khí CO2 từ khói bụi, trong đó một số chính phủ còn tuyên bố tính khả thi và các nghiên cứu thí điểm với mục tiêu triển khai nhiều dự án qui mô lớn trong vòng một thập kỉ tới.

IEA dự đoán thế giới có thể cô lập 2,8 tỉ tấn CO2/năm vào năm 2050, so với 0,7 tỉ tấn/năm ở thời điểm năm 2030. Các nhà máy điện than với tổng công suất khoảng 170 gigawatts (GW) sẽ cần được trang bị thêm công nghệ trước khoảng năm 2050 để hiện thực hóa mục tiêu trên.

"Kế hoạch trên đòi hỏi một liên minh lớn bao gồm chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp và bất kì ai cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", Giám đốc IEA nhấn mạnh.

Yên Khê