Ngưỡng ô nhiễm chưa từng thấy xuất hiện ở Hà Nội
Hà Nội mù mịt khói bụi gây ngột ngạt trên phố nhỏ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hà Nội mù mịt khói bụi gây ngột ngạt trên phố nhỏ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Mức nguy hại
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 5-12/11, chất lượng không khí Hà Nội diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, hôm qua ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại), ngưỡng toàn bộ dân số có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cần cảnh báo khẩn cấp.
Nồng độ PM2.5 tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm. Đặc biệt từ 1-7h sáng qua, chỉ số AQI giờ tại các trạm quan trắc đặt tại phố Phạm Văn Đồng, số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, phố Minh Khai và Chi cục BVMT Hà Nội đều vượt ngưỡng giá trị 300 (mức nguy hại). Giá trị AQI giờ cao nhất ghi nhận được là 364 (mức nguy hại) tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ lúc 5 giờ sáng.
Ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ, bao gồm điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các địa phương ở đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình-hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.
Như vậy, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã trải qua một tuần ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng với xu hướng ô nhiễm tăng dần lên, từ ngưỡng đỏ, qua ngưỡng tím rồi lên ngưỡng nguy hại.
Theo nhận định sơ bộ Tổng cục Môi trường, nguyên nhân của hiện tượng này là từ 4-12/11, miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, các chất ô nhiễm trong không khí không thể phát tán lên cao và đi xa.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đây là đợt ô nhiễm chưa từng thấy khi hầu hết các điểm đo đều ở ngưỡng tím, một số điểm lên ngưỡng nguy hại.
Ban bố tình trạng khẩn cấp: Chờ luật?
Tổng cục Môi trường cho biết, theo dự báo thời tiết, miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, mùa đông là mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra. “Từ nay đến mùa xuân sang năm sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn nữa”, chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình nhận định.
Chỉ tính riêng từ cuối tháng 8 đến nay, Hà Nội trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng với xu hướng đợt sau lâu hơn, nghiêm trọng hơn đợt trước. Tuy nhiên, chưa thấy cơ quan chính quyền nào ban bố tình trạng khẩn cấp với các giải pháp cấp bách.
Tại Hội thảo “Tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai” diễn ra chiều 11/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý để quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các biện pháp ứng phó tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại các đô thị.
Dự án Luật Bảo vệ môi trường sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về quan trắc, thông tin về chất lượng không khí, mô hình dự báo và cảnh báo về ô nhiễm không khí, xác lập các khu vực có nguy cơ hoặc dấu hiệu ô nhiễm không khí, kế hoạch quản lý chất lượng không khí đối với các vùng có nguy cơ hoặc dấu hiệu bị ô nhiễm, áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.
Dự kiến, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được trình Quốc hội vào quý I/2020 và thông qua vào quý IV/2020.
Theo TS.Hoàng Dương Tùng, dù ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra nhưng phản ứng của các cơ quan chính quyền là thụ động và quá ít, ngoài việc công bố hiện trạng chất lượng và một số khuyến cáo. Ông cho rằng, cần phải triển khai nhiều giải pháp cấp bách như cách mà một số quốc gia đã làm khi gặp tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng.