|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM, Hà Nội ô nhiễm nặng, cách nào ngăn bụi mịn?

11:01 | 02/10/2019
Chia sẻ
Máy lọc không khí, khẩu trang chuyên dụng được quảng cáo có thể 'lọc bụi đến 99%', chặn được 'bụi siêu mịn', có nên chi tiền ra mua? Ngoài hai thứ này, có cách nào khác ngăn bụi mịn?
 - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM và Hà Nội lo ngại sức khỏe trước bụi không khí hoành hành những ngày qua - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trước khuyến cáo của các chuyên gia môi trường và y tế về nhiều nguy cơ bệnh tật khi hít bụi không khí, người dân các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đang rất quan tâm đến các thiết bị hỗ trợ như máy lọc không khí, khẩu trang chuyên dụng.

Bụi mịn có "sức mạnh" xuyên qua khẩu trang thông thường và len lỏi vào mọi ngóc ngách trong nhà và nơi làm việc. Theo các chuyên gia, việc trang bị các thiết bị và sản phẩm nêu trên cần thiết, tuy nhiên vẫn còn nhiều biện pháp khác thay thế.

Hai khẩu trang y tế = khẩu trang chuyên dụng

Khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - cho hay khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, y tế thì không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ.

Nắm bắt nhu cầu của người dân, hiện trên các trang bán hàng trực tuyến, nhiều tài khoản rao bán các khẩu trang "chuyên dụng, chống bụi mịn đến siêu mịn" với nhiều mức giá, mẫu mã và màu sắc khác nhau. Thông thường khẩu trang chống được bụi càng mịn thì giá tiền càng cao

Tuy nhiên, ông Tiến khuyến cáo người dân cần cẩn trọng mua hàng trực tuyến vì tỉ lệ mua phải hàng "dỏm" rất cao. Nên mua khẩu trang chuyên dụng tại các quầy thuốc hay cơ sở y tế.

Nếu không có điều kiện mua khẩu trang chuyên dụng, có thể dùng 2 khẩu trang y tế thay thế hoặc dùng khẩu trang y tế kèm một lớp khăn giấy bên trong khẩu trang.

Máy lọc không khí nào cũng hiệu quả hơn 99%?

 - Ảnh 2.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân mua máy lọc không khí khi thật sự cần thiết - Ảnh: XUÂN MAI

Anh T.Q.K. (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay dù thường xuyên quét và lau nhà nhưng chỉ 1 ngày là lớp bụi mới xuất hiện. Bụi thấy ở khắp nơi, thậm chí ở phòng ngủ dù thường xuyên đóng kín cửa.

"Tôi không biết mở cửa hay đóng cửa tốt hơn nhưng rõ ràng nếu mở thì bụi vào, nếu đóng thì phát sinh không khí ẩm. Tôi nghe lâu nay có máy lọc không khí cũng rất quan tâm nhưng không biết hiệu quả đến đâu, có lọc được bụi mịn hay không? Máy chỉ để trong phòng hay hút được toàn bộ căn nhà, giá cả thế nào?" - anh K. băn khoăn.

Vì có con nhỏ, người thân trong gia đình lại làm nghề hàn cắt kim loại trước nhà nên chị O. (ngụ quận Bình Tân) trang bị máy lọc không khí đã 2 năm qua. Theo chị O., máy này dùng trong phòng, di chuyển dễ dàng như máy quạt bàn, có cảm biến báo tín hiệu chất lượng không khí.

"Tôi thấy máy lọc được bụi, còn việc có lọc được vi khuẩn, nấm mốc hay bụi mịn như quảng cáo hay không thì tôi không chắc chắn nhưng nhìn chung phòng cũng khá thông thoáng sau vài tiếng máy hoạt động" - chị O. nói.

Nhiều cửa hàng điện máy tại TP.HCM cho biết những ngày gần đây, các mặt hàng máy lọc không khí bán rất chạy. Ngoài những khách mua thì hầu như ngày nào cũng có người đến xem, tham khảo giá hoặc nhờ tư vấn về máy.

Theo lời nhân viên tư vấn, mỗi thiết bị lọc không khí có ghi các thông số kỹ thuật phù hợp cho một diện tích phòng nhất định.

Hiện nay, máy lọc không khí có giá dao động từ hơn 2-20 triệu đồng. Bên cạnh tính năng chính là "lọc không khí, bụi bẩn đến 99%", máy còn được giới thiệu thêm những tính năng "trên cả tuyệt vời" như cân bằng độ ẩm cho da và tóc.

Tuy nhiên, một chuyên gia môi trường cho rằng cơ chế hoạt động của các loại máy lọc không khí là thường sử dụng các màng lọc để giữ lại một số vi khuẩn bám trên bụi nhưng chỉ trong giới hạn nào đó, không đạt đến 99% như quảng cáo.

Tương tự, theo PGS.TS Trần Hồng Côn - khoa hóa học ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, người dân chỉ nên mua máy lọc không khí khi thật sự cần thiết. Trước khi mua, hãy tham khảo ý kiến những người am hiểu, kiểm tra chất lượng, nơi sản xuất... để tránh mua hàng trôi nổi.

Đồng thời cần chú ý đến diện tích phòng mà chọn máy có lưu lượng gió phù hợp; không nên chọn máy có công suất, lưu lượng gió quá thấp vì mất nhiều thời gian lọc, gây tốn điện.

Trong trường hợp không trang bị máy lọc không khí, người dùng cũng có thể áp dụng một số biện pháp khác để đảm bảo cho không khí nơi ở thoáng sạch như: thường xuyên vệ sinh và thay bộ lọc máy điều hòa; quét, lau sàn nhà; trồng cây xanh, đối với những nhà không có khoảng vườn thì nên ưu tiên những loại cây thải khí O2 về đêm như: lô hội (nha đam), trầu bà, dương xỉ, xương rồng…

Chú ý thêm các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày

Để hạn chế tác hại ô nhiễm không khí đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm, các hoạt động thể lực (lao động, thể dục và sinh hoạt) gần nguồn phát sinh bụi.

Ngoài những phương pháp trên, TS Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM khuyến khích người dân nên thay đổi thói quen sinh hoạt như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế dùng bếp than, nhang, vàng mã... Bên cạnh đó, cần tập thể dục, vệ sinh sạch sẽ và ăn uống điều độ để nâng cao sức đề kháng.

Xuân Mai