|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê robusta tăng mạnh, thu hẹp khoảng cách với arabica

07:00 | 12/10/2024
Chia sẻ
Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết giá cà phê robusta đang tiến gần hơn đến giá cà phê arabica, trong khi xuất khẩu toàn cầu tăng vọt lên mức cao mới.

Giá cà phê robusta tiến gần hơn đến giá arabica

Báo cáo cho biết, giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 258,9 US cent/pound trong tháng 9, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng tới 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá của nhóm cà phê arabica Colombia và nhóm arabica khác tăng lần lượt là 5,9% và 6,5% so với tháng trước, đạt 279,3 US cent/pound và 278,5 US cent/pound.

Tương tự, giá arabica Brazil cũng tăng 6,2% lên 257,2 US cent/pound trong tháng 9.

Đáng chú ý, giá cà phê robusta ghi nhận mức tăng mạnh nhất, tăng tới 12,8% lên 242,1 US cent/pound.

Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2024 (ĐVT: US cent/pound)

Nguồn: ICO

Trên thị trường kỳ hạn ICE New York và London, giá cà phê arabica và robusta tăng lần lượt là 6% và 13,8%, đạt 253,9 US cent/pound và 225,7 US cent/pound. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 đối với hợp đồng cà phê tương lai arabica và là mức cao nhất kể từ tháng 5/1977 đối với hợp đồng cà phê tương lai robusta.

Chênh lệch giá giữa thị trường tương lai London và New York đã thu hẹp 31,8% xuống còn 28,2 US cent/pound vào tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2003.

Theo ICO, sự gia tăng các hiện tượng bất thường liên quan đến khí hậu góp phần gây áp lực tăng giá thông qua sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Cơn bão Yagi không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà còn phá hủy cơ sở hạ tầng và nhà cửa do ngập lụt và lở đất nghiêm trọng.

Sự gián đoạn trong việc hoàn trả các container rỗng đã gia tăng do các tuyến vận chuyển chính vẫn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị.

Các cuộc tấn công từ phiến quân tiếp tục đe dọa các tuyến hàng hải thương mại ở eo biển Bab al-Mandab, khiến các hãng vận tải phải chuyển hướng hoạt động qua Mũi Hảo Vọng. Ngoài ra, áp lực về vận tải hàng hóa còn gia tăng do thông tin về khả năng đình công tại các cảng ở Bờ Đông nước Mỹ. Mặc dù cuộc đình công sau đó diễn ra vào ngày 1/10 và nhanh chóng kết thúc vào ngày 3/10.

Bên cạnh yếu tố kể trên, giá cà phê cũng được thúc đẩy bởi lượng tồn kho giảm trên các sàn giao dịch.

Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, tồn kho cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London đã giảm 26,5% so với tháng trước, xuống còn 0,74 triệu bao (loại 60 kg/bao). Trong khi lượng cà phê arabica được chứng nhận cũng giảm 4,2%, xuống còn 0,87 triệu bao.

Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến cuối tháng 9/2024

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê nhân xanh tăng 10 tháng liên tiếp

Theo ICO, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt tổng cộng 9,9 triệu bao (loại 60 kg/bao) trong tháng 8, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 10 liên tiếp.

Do đó, tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 8) đạt 113,8 triệu bao, tăng 10,5% so với 103 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh arabica Colombia tăng 26,7% trong tháng 8 và tăng 13,6% sau 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 11,2 triệu bao. Chủ yếu là nhờ sự phục hồi trong sản xuất và xuất khẩu của Colombia, nước sản xuất chính đối với loại cà phê chế biến ướt chất lượng cao này.

Xuất khẩu nhóm cà phê arabica khác cũng tăng 5,6% trong tháng 8 và tăng 2,2% sau 11 tháng của niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 20,9 triệu bao. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi Ethiopia, Guatemala và Peru, trong khi Honduras lại ghi nhận sự sụt giảm do chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 8)

 Nguồn: ICO 

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê nhân arabica Brazil bất ngờ giảm nhẹ 0,2% trong tháng 8, xuống còn 3 triệu bao. Đây là sự sụt giảm lần đầu tiên trong 11 tháng qua của nhóm cà phê này.

ICO cho biết, nguyên nhân một phần là do mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái và khó khăn trong khâu vận chuyển tại Brazil, với 86% các lô hàng bị chậm trễ và thay đổi lịch trình so với 60% của tháng 8/2023 tại cảng Santos, cảng xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước này.

Tuy nhiên, tính chung trong 11 tháng của niên vụ 2023-2024, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh arabica Brazil vẫn tăng mạnh 21,4% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 38,2 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh robusta cũng chứng kiến mức tăng 14,3% trong tháng 8 và tăng 5,6% trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng gần 43,5 triệu bao. Brazil, Ấn Độ và Indonesia là các động lực chính thúc đẩy tốc độ tăng trưởng hai con số trong tháng 8, với tổng lượng xuất khẩu của ba nước kể trên tăng 36,2% lên 1,7 triệu bao.

Tăng trưởng mạnh mẽ của cà phê arabica so với robusta, đã giúp tăng thị phần của chủng loại cà phê này trong tổng lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu toàn cầu lên mức 61,8% so với 60% của cùng kỳ niên vụ trước.

Tỷ trọng của arabica và robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024

 Nguồn: ICO 

Ở các dạng cà phê khác, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đã tăng 13,3% trong tháng 8 và tăng 10,6% trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 11,8 triệu bao.

Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu là 9,3%, tương đương niên vụ trước. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất, với 0,3 triệu bao vận chuyển trong tháng 8 .

Ngược lại, xuất khẩu cà phê đã rang giảm 19,7% trong tháng 8 và giảm xuống còn 0,63 triệu bao trong 11 tháng niên vụ hiện tại, so với 0,65 triệu bao của cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết khu vực

Báo cáo của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tăng 6,2% trong tháng 8, đạt 2,9 triệu bao. Đây là mức tăng trưởng đầu tiên trong 4 tháng qua của khu vực do được thúc đẩy bởi sự gia tăng xuất khẩu của Indonesia và Ấn Độ.

Hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba trong khu vực, đã ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng lần lượt là 26,3% và 31,3% trong tháng vừa qua, đạt 0,9 triệu bao và 0,6 triệu bao.

Trong khi đó, Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực, chứng kiến xuất khẩu giảm 12,1% trong tháng 8, xuống còn 1,3 triệu bao. Đây đã là tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp và tháng thứ 9 kể từ đầu niên vụ 2023-2024 đến nay.

Kết quả là xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024 giảm 12,1% so với cùng kỳ vụ trước, xuống còn 24,1 triệu bao. Sự giảm sút này do nguồn cung nội địa khan hiếm, các nhà xuất khẩu đang chờ nguồn cung mới từ vụ thu hoạch 2024-2025, dự kiến bắt đầu sau một tháng nữa.

Tại khu vực châu Phi, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực đã tăng 29,5% trong tháng 8 và tăng 17,3% lên 14,6 triệu bao trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024. Trong đó, Ethiopia là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của khu vực, với xuất khẩu tăng 62,4% trong tháng 8, đạt 0,6 triệu bao. Ngoài ra, Bờ Biển Ngà và Uganda tăng lần lượt là 48,5% và 4,5%.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 11 tháng đầu niên vụ 2023-2024

 Nguồn: ICO 

Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê các loại từ Nam Mỹ - nhà cung cấp cà phê lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,4 triệu bao. Tính chung trong 11 tháng của niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê của khu vực này đạt 59,8 triệu bao, tăng mạnh 30% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023.

Colombia và Peru đóng góp chính vào mức tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực trong tháng 8, với xuất khẩu tăng lần lượt là 13,4% và 30%, đạt hơn 1 triệu bao và hơn 0,5 triệu bao.

Với riêng Peru, xuất khẩu cà phê của nước này trong 11 tháng đầu niên vụ hiện tại đạt 3,8 triệu bao, tăng mạnh so với gần 2,4 triệu bao của cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Peru đang được hưởng lợi từ chu kỳ sản xuất hai năm một lần của cây cà phê.

Với riêng khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực giảm mạnh 28,7% trong tháng 8 và giảm 10,3% trong 11 tháng đầu niên vụ, xuống còn 12,9 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu từ Honduras - nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu trong khu vực đã giảm 12,9% trong tháng 8, xuống còn 0,25 triệu bao do ảnh hưởng bởi sản lượng giảm theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.

Hoàng Hiệp