ICO: Giá cà phê cao nhất một thập kỷ
Giá cà phê thiết lập mức cao mới
Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tháng 12/2021, giá cà phê thế giới được theo dõi bởi ICO tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm khi vượt mốc 200 US cent/pound, lên mức trung bình 203,06 US cent/pound.
Mức giá này tăng mạnh 4% so với tháng 11/2021 và tăng tới 75,5% trong vòng một năm qua. Đáng chú ý, đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong một thập kỷ qua kể từ khi chỉ số giá cà phê tổng hợp toàn cầu đạt 213,04 US cent/pound vào tháng 9/2011.
Xu hướng tăng từ đầu niên vụ 2021-2022 đến nay cho thấy giá cà phê đang quay trở lại thời kỳ đỉnh cao của năm 2011 sau nhiều năm liên tiếp ở mức thấp.
Nguồn: ICO
Trong số các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO, giá cà phê arabica Brazil tiếp tục ghi nhận mức tăng cao nhất, tăng 5,2% so với tháng trước lên mức 230,3 US cent/pound. Như vậy, giá của nhóm cà phê arabica Brazil đã tăng gần gấp đôi kể từ mức giá 116,7 US cent/pound đạt được vào tháng 1/2021.
Tiếp theo là nhóm cà phê arabica Colombia, với mức tăng 3,9% so với tháng trước lên mức 290,6 US cent/pound vào tháng 12/2021.
Tương tự, giá nhóm cà phê arabica khác tăng 3,4% so với tháng trước lên 267,7 US cent/pound.
Trong khi đó, cà phê robusta có mức tăng trưởng thấp nhất trong tất cả các nhóm cà phê khi tăng 3,1% trong tháng 12, đạt 112,8 US cent/pound.
Chênh lệch giá giữa cà phê arabica và robusta trên thị trường kỳ hạn New York và London tăng 5,1%, lên 130 US cent/pound trong tháng 12/2021 so với 123,6 US cent/pound vào tháng trước đó.
Trong tháng 12/2021, tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn London và New York đã giảm trong 7 tháng liên tiếp xuống 3,3 triệu bao từ 4,9 triệu bao của tháng 6/2021, tương ứng giảm 31,5%.
Xuất khẩu cà phê của Brazil liên tục sụt giảm
Giá cà phê thế giới liên tục tăng cao và lập kỷ lục mới trong thời gian qua chủ yếu là do các vấn đề liên quan đến nguồn cung cà phê của Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11/2021 đạt 9,3 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm 12,4% so với 10,6 triệu bao của tháng 11/2020. Trong đó xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 28,0%, trong khi khu vực châu Á và Châu Đại Dương tăng 17,6%, khu vực Trung Mỹ và Mexico tăng 29,4%.
Brazil là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ khi lượng cà phê xuất khẩu của nước này đã giảm mạnh 33,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2021-2022 sụt giảm do cây cà phê arabica bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của nước này đang gặp khó khăn do các vấn đề liên quan đến logistics, đặc biệt là việc thiếu hụt các container vận chuyển.
Ngược lại, Ấn Độ và Việt Nam và Guatemala, Honduras và Nicaragua là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu cà phê tăng trưởng 2 con số ở khu vực châu Á và châu Đại Dương cũng như khu vực Trung Mỹ và Mexico.
Tính chung trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2021-2022 (tháng 10 và tháng 11), xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm mạnh 24,4%, xuống còn 9,7 triệu bao so với 12,8 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ 2020-2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Brazil giảm 31,4%, xuống 6,4 triệu bao từ mức từ 9,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương trong 2 tháng đầu niên vụ 2021-2022 đạt 6,2 triệu bao, tăng so với 5,1 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021. Tại khu vực này, xuất khẩu của Ấn Độ và Việt Nam đạt lần lượt là 1,1 triệu bao và 3,4 triệu bao, tăng khá mạnh so với con số 0,7 triệu bao và 2,9 triệu bao đạt được trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2020-2021.
Tương tự, trong 2 tháng đầu niên vụ 2021-2022, xuất khẩu cà phê từ khu vực Trung Mỹ và Mexico đạt 0,9 triệu bao, tăng so với 0,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021. Trong đó, Guatemala, Honduras và Nicaragua xuất khẩu khoảng 0,2 triệu bao mỗi nước.
Trái lại, xuất khẩu cà phê của Châu Phi giảm 1,8% xuống còn 2,1 triệu bao trong 2 tháng đầu niên vụ 2021-2022. Trong đó, Kenya giảm 49,7%, Bờ Biển Ngà giảm 34,1%; trong khi xuất khẩu cao hơn 17,8% tại Tanzania.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 2 tháng đầu niên vụ từ 2018-2019 đến 2021-2022 (tháng 10 và tháng 11)
Nguồn: ICO
Xét theo nhóm cà phê xuất khẩu, cà phê arabica giảm mạnh 20,8% trong tháng 11/2021, xuống còn 5,7 triệu bao từ 7,2 triệu bao của cùng kỳ năm 2020.
Mức giảm lớn nhất được ghi nhận ở cà phê arabica Brazil, từ 4,6 triệu bao đạt được vào tháng 11/2020 xuống chỉ còn 2,9 triệu bao vào tháng 11/2021. Tiếp theo là cà phê arabica Colombia với mức giảm 8,8%, xuống 1,3 triệu bao từ 1,4 triệu bao của cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, nhóm cà phê arabica khác và robusta lại tăng trưởng lần lượt là 23,9% và 5,7% trong tháng 11.
Như vậy, tổng xuất khẩu cà phê arabica trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2021-2022 đạt 11,8 triệu bao và robusta là 7 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu đạt 16,7 triệu bao trong 2 tháng đầu niên vụ cà phê 2021-2022, giảm 10,6% so với 18,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.
Dư cung cà phê trong niên vụ 2020-2021 bằng một nửa niên vụ trước
Trong báo cáo tháng này, ICO điều chỉnh ước tính tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020-21 lên mức 169,7 triệu bao, tăng 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước.
Trong đó, sản lượng cà phê arabica ước tính tăng 2,3%, lên 99,1 triệu bao từ 97,1 triệu bao trong niên vụ 2019-2020; trong khi sản lượng robusta ước tính đạt 70,4 triệu bao, giảm 2,2% so với mức 71,9 triệu bao của niên vụ trước.
Têu thụ cà phê thế giới ước tính tăng nhẹ lên mức 167,3 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 so với 164,1 triệu bao của niên vụ 2019-2020. Do đó, dư cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/21 được rút xuống còn 2,4 triệu bao, giảm một nửa so với gần 5 triệu bao của niên vụ 2019-2020.