|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê năm 2022 có thể vẫn ở mức cao nhờ nguồn cung bị hạn chế

07:04 | 05/01/2022
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2022, giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất lớn như Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ.

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài. Hiện tại, do thiếu nguồn cung cà phê arabica, một số nhà rang xay đang tìm đến phương án phối trộn cà phê arabica và robusta nhằm hạ giá bán.

Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê robusta rang xay và sẽ giúp cho cà phê robusta của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn.

Tháng 12/2021, giá cà phê robusta tiếp tục duy trì đà tăng khi nguồn cung giảm. Xuất khẩu từ 2 quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia giảm. 

Trên sàn giao dịch London, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/12/2021, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 1/2022, tháng 3/2022 tăng lần lượt 6,7%, 5,2% so với ngày 29/11/2021, lên mức 2.462 USD/tấn và 2.353 USD/ tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 24/12/2021, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 3/2021, tháng 5/2021 giảm lần lượt 4,8%, 4,6% so với ngày 29/11/2021, xuống còn 231,2 US cent/pound và 231,1 US cent/pound.

Nguồn cung hàng vụ mới cho thị trường bị chậm lại do thời tiết bất lợi và dịch bệnh tại Việt Nam kéo dài. Trong khi đó, giá cà phê arabica giảm trở lại sau báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng của năm 2021 của Cơ quan cung ứng và dự báo nông sản Conab thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil

Theo đó, Conab điều chỉnh tổng sản lượng cà phê Brazil năm 2021 tăng 0,8 triệu bao, lên mức 47,7 triệu bao; trong đó arabica tăng 0,7 triệu bao, lên 31,4 triệu bao và robusta tăng 0,2 triệu bao so với dự báo hồi tháng 9/2021, lên mức kỷ lục 16,3 triệu bao. 

Báo cáo của Conab thường được cho là thấp hơn sản lượng thực tế khoảng từ 6 – 10%, nên việc điều chỉnh tăng kỳ này càng chứng tỏ sản lượng cà phê Brazil không thiếu hụt nghiêm trọng do ảnh hưởng của thời tiết.

 Xuất khẩu cà phê của Brazil các tháng gần đây giảm có thể do vấn đề logistics. Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), từ đầu năm 2021 đến nay, khoảng 222 nghìn tấn cà phê xuất khẩu bị giao trễ do đợt đình công trước đây tại cảng Santos và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Trong khi đó, người trồng cà phê Brazil tăng xuất khẩu nhằm tránh rủi ro trước kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh và Năm mới 2022.

H.Mĩ