USDA: Sản lượng cà phê toàn cầu giảm 4,8% trong niên vụ 2021-2022
Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020-2021 xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg/bao), chủ yếu do cây cà phê arabica tại Brazil bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến giảm 3,8 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 117,2 triệu bao do khối lượng xuất khẩu của Brazil giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng.
Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo tăng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng chủ yếu tại Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.
Tiêu thụ tăng trong khi sản lượng sụt giảm, tồn kho cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ giảm 6,3 triệu bao xuống 30 triệu bao, mức thấp nhất trong 5 niên vụ vừa qua.
Dự báo cung – cầu cà phê thế giới niên vụ 2021-2022 của USDA
Nguồn: USDA
Sản lượng cà phê Brazil giảm mạnh, Việt Nam tăng
Brazil: Trong niên vụ 2021-2022, USDA dự báo sản lượng cà phê của Brazil giảm 13,6 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 56,3 triệu bao.
Trong đó, sản lượng cà phê arabica giảm 14,7 triệu bao xuống chỉ còn 35 triệu bao do sản lượng giảm trước tác động của hạn hán, sương giá và nhiệt độ cao. Ngược lại, sản lượng cà phê robusta được dự báo tiếp tục tăng 1,1 triệu bao lên mức kỷ lục 21,3 triệu bao.
Với nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê của Brazil dự kiến sẽ giảm 11,7 triệu bao từ mức kỷ lục của niên vụ trước xuống còn 30 triệu bao và dự trữ cuối kỳ được dự báo sẽ giảm 500.000 bao còn 2,9 triệu bao. Tiêu thụ cà phê của Brazil dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 23,7 triệu bao.
Bên cạnh sự sụt giảm sản lượng, các nhà xuất khẩu Brazil cũng gặp nhiều trở ngại trong việc thuê tàu chở hàng và container, trong khi các chuyến hàng thường xuyên bị hoãn và hủy từ các công ty vận chuyển.
Cũng theo USDA, trong giai đoạn cuối của vụ thu hoạch 2021-2022, những đợt băng giá nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến một số vùng trồng cà phê arabica ở các bang Minas Gerais, Sao Paulo và Parana của Brazil.
Các ước tính sơ bộ cho thấy 8 - 10% diện tích cà phê arabica bị ảnh hưởng bởi sương giá. Tuy nhiên, USDA cho rằng thiệt hại do sương giá gây ra chủ yếu ảnh hưởng đến lá và cành thay vì trái cà phê. Mặt khác, vụ thu hoạch đã gần như hoàn thành trước khi xảy ra băng giá.
Đây cũng là lý do khiến USDA giữ nguyên dự báo sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2021-2022 so với dự báo ban đầu được đưa ra vào tháng 6 năm 2021.
Sản lượng cà phê arabica và robusta của Brazil từ niên vụ 2015-2016 đến 2021-2022
Nguồn: USDA
Việt Nam: Sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2021-2022 được dự báo sẽ phục hồi và tăng 2,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 31,1 triệu bao sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước.
Với cà phê robusta chiếm hơn 95% tổng sản lượng và giá có xu hướng tăng cao hơn trong 12 tháng qua, người trồng cà phê đã có động lực để tăng năng suất bằng cách sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho tưới tiêu cây cà phê trong mùa khô, thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3.
Đồng thời, nông dân tiếp tục trồng xen cà phê với các loại trái cây khác như bơ và sầu riêng để tăng thu nhập.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2021-2022 dự báo tăng 3,6 triệu bao so với niên vụ 2020-2021 lên 26 triệu bao, tồn kho cà phê cũng được dự báo giảm nhẹ.
Colombia: Sản lượng cà phê arabica của Colombia trong niên vụ 2021-2022 dự báo tăng 400.000 bao lên 13,8 triệu bao trong điều kiện tăng trưởng thuận lợi. Liên đoàn Quốc gia những người trồng cà phê Colombia (FEDECAFE) ước tính rằng gần như 85% diện tích cà phê của nước này hiện được trồng bằng các giống kháng bệnh gỉ sắt, tăng mạnh so với chỉ 35% diện tích trong niên vụ 2008-2009 khi điều kiện thời tiết bất lợi khiến bệnh gỉ sắt sinh sôi, làm giảm 1/3 sản lượng.
Kể từ đó, sản lượng đã tăng khoảng 30%, phần lớn do chương trình cải tạo thay thế cây già cỗi, năng suất thấp hơn bằng các giống kháng bệnh gỉ sắt. Chương trình cũng giảm độ tuổi trung bình của cây cà phê từ 15 đến 7 năm, qua đó thúc đẩy sản lượng.
Xuất khẩu cà phê của Colombia dự kiến sẽ tăng 1,3 triệu bao lên 12,8 triệu bao trong niên vụ 2021-2022 và lượng dự trữ tiếp tục giảm.
Indonesia: Sản lượng của Indonesia được dự báo sẽ giảm nhẹ 100.000 bao xuống 10,6 triệu bao, với phần lớn sự sụt giảm được ghi nhận ở cà phê robusta. Sản lượng cà phê robusta của Indonesia dự kiến đạt gần 9,4 triệu bao với điều kiện phát triển thuận lợi ở các vùng đất thấp của Nam Sumatra và Java, nơi có khoảng 75% diện tích robusta của Indonesia.
Trong khi đó, mưa lớn ở phía bắc Sumatra, nơi có khoảng 60% sản lượng cà phê arabica có thể khiến sản lượng arabica giảm nhẹ xuống còn gần 1,3 triệu bao. Các kho dự trữ cà phê cuối kỳ tại Indonesia dự kiến sẽ giảm một nửa xuống chỉ còn 800.000 bao do tiêu thụ và xuất khẩu tăng mạnh.
Ấn Độ: Sản lượng cà phê của Ấn Độ niên vụ 2021-2022 được dự báo sẽ tăng 300.000 bao lên 5,5 triệu bao do sản lượng cà phê robusta tăng ở Karnataka, bang sản xuất cà phê lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, sản lượng arabica được dự báo sẽ giảm nhẹ khi bước vào năm cuối của chu kỳ sản xuất hai năm một lần. Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 100.000 bao lên 3,9 triệu bao.
Trung Mỹ và Mexico: Tổng sản lượng và xuất khẩu cà phê tại khu vực này được dự báo cùng tăng 700.000 bao lên 19,4 triệu bao và 16,4 triệu bao. Liên minh Châu Âu (EU) chiếm gần một nửa xuất khẩu của khu vực Trung Mỹ và Mexico, tiếp theo là khoảng 1/3 đến Mỹ.
Sản lượng cà phê của 5 nước sản xuất hàng đầu trong niên vụ 2019-2020 đến 2021-2022 (ĐVT: nghìn bao, loại 60 kg/bao)
Nguồn: USDA
Tiêu thụ cà phê của các thị trường lớn tiếp tục gia tăng
Nhập khẩu cà phê của EU được dự báo sẽ giảm 1,1 triệu bao xuống còn 42,5 triệu bao và chiếm gần 40% lượng cà phê nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu cho EU bao gồm Brazil (34%), Việt Nam (24%), Honduras (8%) và Colombia (6%). Dự trữ cuối kỳ của EU niên vụ 2021-2022 dự kiến giảm 2,5 triệu bao, xuống còn 11,3 triệu bao nhằm đáp ứng mức tăng của nhu cầu tiêu thụ.
Mỹ sẽ là nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với lượng nhập khẩu dự kiến tăng 700.000 bao lên 25 triệu bao trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho Mỹ bao gồm Brazil (30%), Colombia (21%), Việt Nam (11%) và Nicaragua (5%). Dự trữ cuối kỳ tại Mỹ được dự báo sẽ giảm 200.000 bao xuống 5,8 triệu bao.
Mặc dù nhập khẩu của Mỹ và EU tăng giảm trái chiều nhưng nhìn chung tiêu thụ cà phê của 2 thị trường này được dự báo sẽ tăng 1,1% và 1,8% so với niên vụ trước, đạt lần lượt là 41,4 triệu bao và 26,4 triệu bao.
Tương tự, tiêu thụ cà phê của Brazil và Nhật Bản cũng tăng 1,3 – 1,5% trong niên vụ 2021-2022.
5 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới niên vụ 2019-2020 đến 2021-2022 (ĐVT: nghìn bao, loại 60 kg/bao)
Nguồn: USDA