|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Nguồn vốn FDI đang đổ vào ASEAN, Việt Nam cần nắm rõ đối thủ để đưa ra chiến lược

10:44 | 05/03/2024
Chia sẻ
Theo TGĐ HSBC, Singapore và Malaysia đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn, Thái Lan đã trở thành một chuỗi cung ứng ô tô còn Indonesia đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện. Để vượt qua các đối thủ này, Việt Nam cần nắm rõ tình hình và đưa ra các chiến lược riêng.

Đánh giá bối cảnh thế giới sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng những xung đột địa chính trị leo thang, mức độ bảo hộ thương mại gia tăng cùng các rủi ro biến đổi khí hậu cho thấy kỷ nguyên toàn cầu hóa đã không còn thống lĩnh, thế giới đang trở nên đa cực hơn.

Châu Á vốn được hưởng lợi nhờ vị thế trung tâm thương mại toàn cầu trong vài thập kỷ qua giờ đang đối mặt với một số thách thức mới, ông Tim Evans dự báo.

Theo ông, các chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp tục phát triển và dịch chuyển. Một xu thế sẽ trở nên phổ biến chính là nhiều nền kinh tế có động thái giảm rủi ro trong thương mại với Trung Quốc. Xu thế này sẽ diễn ra bất chấp thực tế gần 70 quốc gia trên toàn cầu coi Trung Quốc như nguồn nhập khẩu chính của họ.

 

Chính ASEAN lại được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa thương mại này và Việt Nam nằm trong nhóm các nước được hưởng lợi nhiều nhất. Các doanh nghiệp phương Tây trong khi kiếm tìm giải pháp nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn hàng sang các thị trường châu Á khác như Việt Nam và Ấn Độ.

"Khu vực này đang thu hút đầu tư FDI nhiều hơn Trung Quốc và đáng chú ý nhất là FDI vào lĩnh vực sản xuất. Bản thân Trung Quốc cũng đang xây dựng các chuỗi cung ứng tại những quốc gia láng giềng như Việt Nam, đây cũng là một xu hướng mà HSBC đang hỗ trợ mạnh mẽ nhờ sự hiện diện rộng khắp của chúng tôi ở cả hai thị trường", ông Evans nói.

Dẫn kết quả khảo sát mới đây của AmCham (Hiệp hội thương mại Mỹ) tại Trung Quốc, 60% công ty Mỹ đang ngày càng quan ngại về những căng thẳng song phương và hơn 40% đã phản hồi rằng họ đang tìm cách gia tăng đầu tư nhằm củng cố sự vững vàng cho chuỗi cung ứng của họ.

Trên 50% cho biết đối với họ, Đông Nam Á vẫn là điểm đến hàng đầu để chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc.

Một khảo sát của EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu) cũng cho thấy các công ty châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng của họ với ASEAN, vốn được chọn là điểm đến hàng đầu cho những chiến lược chuyển dịch đầu tư này.

Điểm đến của chuỗi cung ứng

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans. (Ảnh: HSBC).

Theo Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, chiến lược của chính phủ nhằm thu hút thêm FDI vào Việt Nam nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN, đồng thời cũng nên đánh giá thêm các thị trường khác chẳng hạn như Ấn Độ hay Mexico.

Singapore và Malaysia đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn, trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch, còn Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử. Thái Lan đã trở thành một chuỗi cung ứng ô tô và nhà cung ứng cho xe điện có chỗ đứng nhất định. Indonesia đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện với nguồn niken dồi dào và thị trường ô tô trong nước rộng lớn.

Việt Nam cũng đang từ từ dấn thân vào cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn khi hướng đến gia tăng tập trung vào hàng hóa giá trị cộng thêm cao trong khi vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường nhờ giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều thỏa thuận FTA có hiệu lực và thái độ làm việc của người dân Việt Nam.

Bước tiếp theo cần làm chính là xác định đâu là "nút thắt" gây vướng mắc nhiều nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài, từ đó đặt ra kế hoạch hành động toàn diện và khả thi nhất.

Theo vị Tổng Giám đốc HSBC, có ba vấn đề Việt Nam cần cải thiện trong thu hút FDI. 

Thứ nhất, chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động cũng như nhu cầu liên tục cải thiện năng suất trong quá trình Việt Nam vươn lên trên nấc thang chất lượng. Việt Nam vẫn đứng sau những thị trường ASEAN lớn về năng suất lao động với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp ở mức 9,7 so với mức 10 - 26 của các nước ASEAN khác.

Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy suất… Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển vốn đã hỗ trợ cho xuất khẩu từ Việt Nam.

Cuối cùng là, khả năng thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.

Theo khảo sát HSBC Global Connection mới nhất, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.

Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là một bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường, ông Tim Evans đề xuất.

Ông cũng cho hay HSBC sẽ tiếp tục tận dụng mạng lưới quốc tế của mình để hỗ trợ khách hàng hiểu rõ và nắm bắt những cơ hội  thị trường Việt Nam. Ngân hàng này cũng có thể giúp xây dựng định hướng tiếp cận có mục tiêu rõ ràng nhắm tới các tập đoàn đa quốc gia, tiếp cận trực tiếp tại trụ sở hoặc đại diện khu vực của họ để giới thiệu "câu chuyện Việt Nam".

Bên cạnh đó, HSBC cũng có thể phối hợp với các bộ, ngành quảng bá điểm đến đầu tư Việt Nam, hỗ trợ phát triển khung pháp lý để quản lý hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam trong việc cân bằng phát thải.

"Yếu tố xanh đang trở thành một điểm quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình chọn lựa thị trường để đầu tư", Tổng Giám đốc HSBC Tim Evans cho biết.

 

 

Hạ An

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.