|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bắc Giang, Quảng Ninh giữ vững phong độ thu hút FDI do đâu?

07:54 | 01/03/2024
Chia sẻ
Trái với phong độ sa sút của một số thủ phủ của doanh nghiệp FDI lớn như Bắc Ninh hay Thái Nguyên, trong năm 2023, Bắc Giang, Quảng Ninh hay Hải Phòng là những cái tên có nhiều bứt phá trên bảng xếp hạng 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Giữ vững phong độ thu hút FDI

Trong năm 2023, TP HCM, tiếp tục giữ vững vị trí địa phương thu hút được FDI cao nhất cả nước, Quảng Ninh vẫn tiếp tục tăng trưởng dù thứ hạng bị tụt xuống thứ ba nhường chỗ cho Hải Phòng. Ngược lại, Bắc Ninh, Bình Dương là hai địa phương duy nhất trong top 10 bị sụt giảm vốn đầu tư FDI.

Đáng chú ý, Bắc Giang, Thái Bình là những địa phương có mức tăng trưởng rất tốt so với năm trước đó. Trong khi Thái Bình tăng trưởng hơn 9 lần thì Bắc Giang cũng tăng trưởng 2,4 lần.

 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước năm 2023. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).

 

Năm 2023, Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút FDI được 1,3 tỷ USD nhưng kết quả đã thu hút được hơn 3 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với chỉ tiêu đề ra. Không chỉ thu hút FDI tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Bắc Giang ước đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước) đứng đầu cả nước.

Chia sẻ với người viết bên lề một sự kiện trong năm 2023, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay không phải tự nhiên mà Bắc Giang lại vươn lên mạnh mẽ như vậy trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Nhiều "đại bàng" công nghệ như Hana Micron, Foxconn, Luxshare-ICT, JA Solar đã chọn Bắc Giang làm điểm đến.

 

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Hạ An).

Vị Phó Chủ tịch này cho biết ngay từ khi các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài có ý tưởng đầu tư vào Bắc Giang, UBND tỉnh đã cho thành lập các tổ công tác đặc biệt.

Tổ công tác này gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương nơi doanh nghiệp đó dự kiến đầu tư với nhiệm vụ chính là hỗ trợ các điều kiện, thủ tục giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.

Bắc Giang cũng đưa ra ba trụ cột trong chính sách thu hút đầu tư FDI gồm: Tập trung đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và thúc đẩy cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chiến lược thu hút đầu tư FDI với tiêu chí rất rõ ràng: "Một không" - không ô nhiễm; "Hai ít" - sử dụng ít đất, ít lao động; "Ba cao" - dự án có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao; và "5 sẵn sàng" - sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả. Bởi vậy, tỉnh nhắm tới những doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí trên.

Trong đối ngoại, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên tham gia các đoàn cấp cao tới các nước để gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các tập đoàn lớn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, trọng tâm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ..., ông Mai Sơn cho biết.

Chiến lược thu hút FDI riêng

Cải cách thủ tục hành chính cũng là một ưu điểm của cả Bắc Giang và Quảng Ninh. Theo thống kê Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 từ VCCI, Quảng Ninh và Bắc Giang là hai địa phương dẫn đầu cả nước với số điểm sát nút.

Trong khi Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt 72,95 điểm thì Bắc Giang đạt 72,80 điểm, cao hơn khá nhiều so với một số địa phương ở khu vực phía Bắc như: Bắc Ninh (69,08 điểm) hay Thái Nguyên (66,1 điểm).

2023 cũng là năm Bắc Giang đứng đầu cả nước về tăng trưởng GRDP với mức tăng 13,45%, tiếp đến là Hậu Giang 12,27% và Quảng Ninh 11,03%.

 10 địa phương có mức tăng GRDP cao nhất cả nước năm 2023. (Nguồn: TCTK).

Đánh giá về tăng trưởng của Bắc Giang hay Quảng Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu cho hay Bắc Giang phát triển rất đều các ngành và vẫn tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới, những dự án đầu tư quy mô lớn đi vào hoạt động. Quảng Ninh cũng tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới trong suốt mấy năm dịch, hiện nay vẫn tiếp tục do đó các địa phương này không bị sụt giảm GRDP.

Ngược lại với Bắc Ninh khi bị nhiều doanh nghiệp đánh giá là đang chậm trễ ở khâu giải phóng mặt bằng hay thủ tục hành chính kéo dài, Bắc Giang lại rất chú trọng vào khâu này. Riêng năm 2023, Bắc Giang đã giải phóng 365 ha mặt bằng sạch đất công nghiệp và hơn 300 ha đất đô thị và đất khác.

"Chúng tôi đã tập trung cao vào công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để hỗ trợ các nhà đầu tư sớm triển khai dự án.Bên cạnh đó, địa phương cũng phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đồng bộ với đó là việc tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, điện,...để phục vụ dự án khi đi vào sản xuất", Phó Chủ tịch Bắc Giang cho biết.

Nguồn cung, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê trung bình bất động sản khu công nghiệp của các tỉnh phía Bắc. (Nguồn: SSI Research).

Theo báo cáo từ SSI Research, tỷ lệ lấp đầy bất động sản khu công nghiệp của Bắc Giang cao thứ hai trong số các tỉnh trọng điểm phía Bắc, chỉ thấp hơn Hà Nội. Báo cáo này cũng cho biết tính theo khu vực, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc đạt trung bình 83%, so với 80% trong năm 2022. 

Tương tự Bắc Giang, Quảng Ninh cũng là một địa phương vạch ra chiến lược thu hút đầu tư rất rõ ràng. Năm 2023, Quảng Ninh là một trong các địa phương đón dòng vốn FDI rất lớn từ Trung Quốc. Chỉ riêng trong quý IV/2023, tỉnh thu hút được hai dự án FDI có quy mô vốn đầu tư trên 500 triệu USD là dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh (690 triệu USD).

Năm nay, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đạt 3 tỷ USD. Ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã tiến hành nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng hướng tới các cơ quan nhà nước “không giấy tờ...

Đặc biệt là đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Quảng Ninh cũng yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đồng bộ đối với phần diện tích đất đã được tỉnh giao, không có tâm lý chờ đợi có nhà đầu tư mới làm hạ tầng.

Nhờ hạ tầng có sẵn, thủ tục hành chính nhanh chóng, Quảng Ninh có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các tỉnh lân cận. Đây cũng là địa phương được quy hoạch nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế nhất miền Bắc.

Theo Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, tính từ đầu năm 2024 đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được tám dự án đầu tư FDI với tổng vốn 478 triệu USD. Dự kiến trong quý I/2024, tổng vốn FDI thu hút vào các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD.

Hạ An