|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hội nghị G20 sẽ là diễn đàn tốt cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung?

07:54 | 20/11/2018
Chia sẻ
Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sắp diễn ra sẽ là cơ hội tốt cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
hoi nghi g20 se la dien dan tot cho dam phan thuong mai my trung Tổng thống Mỹ có khả năng gặp Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị G20

Đây cũng là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng hai nhà lãnh đạo sẽ tìm được “lời giải” cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhất là sau khi Hội nghị cấp cao APEC không thể ra được tuyên bố chung chính thức do sự chia rẽ sâu sắc giữa hai nước về thương mại và đầu tư.

hoi nghi g20 se la dien dan tot cho dam phan thuong mai my trung

Hội nghị G20 sẽ là diễn đàn tốt cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh minh họa: KT)

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này diễn ra trong bối cảnh ông Donald Trump liên tục công kích Trung Quốc đang đánh cắp tài sản trí tuệ, tạo ra những rào cản đối với các công ty của Mỹ đang sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc và gây ra sự mất cân bằng thương mại khổng lồ giữa hai nước.

Phát biểu với báo giới, ông Paul Gruenwald, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức đánh giá tín dụng toàn cầu S&P, nói rằng, ông không ngạc nhiên trước những bất đồng quan điểm về thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc tại Hội nghị APEC vừa qua ở Papua New Guinea. Ông Gruenwald xem Hội nghị cấp cao G20 sắp tới ở Argentina, sẽ là “một diễn đàn tốt hơn” cho hai nước thảo luận các vấn đề liên quan tới cuộc đối đầu thương mại đang diễn ra.

“Mọi người luôn có cảm nhận là Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra một lập trường thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc, so với những gì Mỹ đã thực hiện với Mexico và Canada. Do vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi chẳng có sự tiến triển nào giữa hai bên trong lĩnh vực tranh chấp thương mại tại Hội nghị APEC ở Papua New Guinea vừa qua. Hy vọng rằng một hành động lớn lao có thể được thực thi tại Argentina trong vòng hai tuần tới”, ông Gruenwald cho hay.

Về phần mình, Giáo sư Stephen Roach, Giảng viên cao cấp Đại học Yale, Mỹ và là cựu Chủ tịch Ngân hàng châu Á- Morgan Stanley Asia- nhận định, Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được sự tiến triển về thương mại, đáng kể nhất là đạt được một thỏa thuận khung cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, những vấn đề mang tính dài hạn trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung sẽ vẫn tồn tại.

“Các vấn đề trọng yếu gây chia rẽ hai nước bao gồm đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, trợ giá của chính phủ và chính sách ép buộc chuyển giao công nghệ sẽ khó có bước đột phá ngay tại hội nghị ở Argentina. Tôi nghĩ rằng, đó vẫn là chủ đề hàng đầu trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên trong thời gian tới”.

Trong diễn biến có liên quan, các nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại song phương kế tiếp tại thủ đô Buenos Aires, của Argentina, thay vì tại thủ đô Washington, Mỹ như theo kế hoạch ban đầu.

Dự kiến, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ đàm phán trực tiếp với phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.

Đây sẽ lần đầu tiên vòng đàm phán thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc được tiến hành ở một nước thứ ba. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo cuộc đàm phán có tác động trực tiếp tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20 sắp tới.

Xem thêm

Huy Hoàng