|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hội đủ điều kiện tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để TP HCM phát triển

07:07 | 16/12/2019
Chia sẻ
Tổng thu ngân sách của TP HCM là rất lớn, đóng góp khoảng 27% ngân sách cả nước nhưng vẫn bội chi là điều bất hợp lí. Rõ ràng, việc phân bổ ngân sách có vấn đề, mà cụ thể là tỷ lệ phân bổ ngân sách cho TP HCM chưa hợp lí.

Áp lực ngân sách của cả nước hiện nay không cao, nợ công không còn căng thẳng. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều địa phương vươn lên tự chủ ngân sách giúp giảm áp lực đối với TPHCM. 

Đây là thời điểm đã “chín” để điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, giúp TPHCM có điều kiện hơn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước” - PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM, chia sẻ như vậy với PV Báo SGGP, trước việc TPHCM đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Hội đủ điều kiện tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để TP HCM phát triển - Ảnh 1.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

“Đầu tàu” thấm mệt

- Phóng viên: Hàng năm, TPHCM thu ngân sách rất cao, như năm 2019, dự kiến TPHCM thu hơn 412.470 tỷ đồng, bằng 55 tỉnh trong cả nước cộng lại (tính từ dưới lên). Vì sao TPHCM vẫn liên tục bội chi và dự kiến năm 2020 bội chi hơn 10.480 tỷ đồng?

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: TPHCM vừa thông qua dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2020, với tổng mức thu là 405.828 tỷ đồng. Ngân sách TPHCM dự chi hơn 85.970 tỷ đồng, nhưng trong đó bội chi hơn 10.480 tỷ đồng. 

Không chỉ năm 2020 TPHCM mới bội chi mà thực trạng này đã diễn ra từ khi bắt đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020. Trong đó, năm 2017, TPHCM bội chi 2.900 tỷ đồng; năm 2018 bội chi hơn 4.880 tỷ đồng; 2019 bội chi gần 3.560 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách của TPHCM là rất lớn, đóng góp khoảng 27% ngân sách cả nước nhưng vẫn bội chi là điều bất hợp lý. Rõ ràng, việc phân bổ ngân sách có vấn đề, mà cụ thể là tỷ lệ phân bổ ngân sách cho TPHCM chưa hợp lý. 

Nguyên do trước đây, TPHCM được giữ lại 23% nhưng sau đó giảm còn 18% như hiện nay. Điều này dẫn đến ngân sách TPHCM “hụt đi” khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.

- Bất cập này có khả năng gây ra những hệ lụy gì, thưa ông?

Những năm qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách. TPHCM cũng “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi rất nhiều so với nhu cầu và chấp nhận khó khăn để vươn lên vì cả nước, cùng cả nước. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy cũng có giới hạn. 

Hiện nay, đã có những dấu hiệu cho thấy “đầu tàu TPHCM” đang thấm mệt. Điều này thể hiện rõ ở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông xuống cấp, tắc nghẽn giao thông trầm trọng; ô nhiễm môi trường về không khí, tiếng ồn… ngày càng căng thẳng. 

Bên cạnh đó, người dân TPHCM cũng bức xúc về sự quá tải của hệ thống trường học, bệnh viện ngày càng gia tăng.

TPHCM là bộ mặt của quốc gia, là điểm đến của du lịch, đầu tư quốc tế và được dẫn chứng để so sánh với các thành phố lớn khác trên thế giới, nhưng với những bất ổn trên dẫn đến bộ mặt quốc gia ngày càng xuống cấp. Cùng với đó, việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Những tồn tại trên có thể đe dọa đến khả năng thu hút đầu tư, đe dọa đến tăng trưởng của TPHCM và cũng làm ảnh hưởng đến khả năng đóng góp cho trung ương. Thực tế này đòi hỏi phải xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM.

- Lâu nay từng có nhiều ý kiến đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM nhưng chưa thể thực hiện. Lần này, căn cứ vào đâu để TPHCM kiến nghị xem xét lại?

Cách đây nhiều năm, các nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo TPHCM đều lên tiếng đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết khoản phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TPHCM. 

Năm 2015, khi tỷ lệ để lại cho TPHCM là 23% nhưng vẫn có đề nghị tăng. Sau đó Chính phủ vẫn đệ trình và Quốc hội giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách của TPHCM từ 23% xuống còn 18%.

Việc giảm là do năm 2016, ngân sách nước ta căng thẳng vì nợ công (khoảng 63,7%) và tình hình bội chi ngân sách cao, áp lực trả nợ lớn. 

Do đó, dẫu biết rằng yêu cầu tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với TPHCM là chính đáng nhưng trong bối cảnh chung đó, Quốc hội quyết định giảm từ 23% còn 18%.

Tuy nhiên hiện nay, tôi cho rằng đã hội đủ các điều kiện cần và đủ để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM, từ 18% lên 24% hoặc hơn nữa. Cụ thể, điều kiện ngân sách quốc gia hiện nay đã được cải thiện rất nhiều so với năm 2016. Nợ công giảm còn 56,1% (với mức trần là 65%). 

Số địa phương vươn lên tự chủ về ngân sách ngày càng tăng. Giai đoạn 2007-2010 chỉ có 11 tỉnh - thành tự chủ và tăng lên 13 tỉnh - thành (giai đoạn 2011-2016) rồi 16 tỉnh - thành (giai đoạn 2017-2020). Dự kiến giai đoạn 2020-2025, số tỉnh - thành tự chủ ngân sách còn tiếp tục tăng. Điều này sẽ giảm áp lực cho các “đầu tàu”.

Hội đủ điều kiện tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để TP HCM phát triển - Ảnh 2.

Tỷ lệ phân bổ ngân sách cho TPHCM chưa hợp lý

- TPHCM và một số địa phương phải thực hiện nghĩa vụ đối với cả nước, nhất là chia sẻ với các nơi còn khó khăn, chưa tự chủ ngân sách. Vậy thì việc phân bổ ngân sách cần theo nguyên tắc nào?

Việc chia sẻ với các địa phương có điều kiện tự nhiên không được ưu đãi hoặc ở vùng sâu, vùng xa, thuộc khu vực biên giới là cần thiết, phải ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, như tôi phân tích, thực tế hiện nay đã hội đủ điều kiện cần và đủ để xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách đối với TPHCM.

TPHCM đã và đang giữ vai trò là đầu tàu quan trọng trong phát triển, tạo sự lan tỏa đến các địa phương khác tăng trưởng và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia. Đầu tư cho TPHCM là đầu tư cho phát triển, tức đầu tư để có nguồn thu lớn hơn trong tương lai.

Điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết ngân sách là phù hợp với yêu cầu cấp thiết hiện nay, phù hợp với nguyên tắc phân bổ nguồn lực đầu tư - nơi nào hiệu quả phải được đầu tư nhiều - và phù hợp với tính công bằng trong trách nhiệm của xã hội, trách nhiệm của công dân. 

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cũng để TPHCM có điều kiện hơn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; có điều kiện đầu tư, xây dựng bộ mặt TP tốt hơn và có điều kiện sánh vai với các cường quốc năm châu. Qua đó, TPHCM cũng sẽ có điều kiện để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp ngân sách quốc gia nhiều hơn.

- Để thực hiện những điều trên thì phải điều chỉnh các quy định về ngân sách theo hướng nào, thưa ông?

Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu, hoàn thiện Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng làm rõ và có sự tách bạch hơn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đối với các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa trung ương và địa phương thì các thành phố đô thị giữ vị trí đầu tàu, đầu kéo phải được phân chia lại tỷ lệ hợp lý hơn. 

Chúng ta chưa thể điều chỉnh tỷ lệ để lại cao như các thành phố lớn trên thế giới (Paris hơn 33%), nhưng tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM từ 18% lên 24% trong thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 là phù hợp.

Đối với các khoản thu ngân sách trung ương được hưởng 100% cũng cần xem xét lại, theo hướng chia lại một phần cho các địa phương. Hiện nay, các khoản thu ngân sách được hưởng 100% chiếm tỷ trọng lớn. Ví dụ, năm 2019, khoản thu ngân sách trung ương được hưởng 100% trên địa bàn TPHCM là gần 148.000 tỷ đồng. 

Trong khoản này có thuế xuất nhập khẩu mà để thu, TPHCM phải tham gia đầu tư cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Vì thế, việc chia lại một phần cho địa phương là hợp lý.

Ngoài ra, Luật Ngân sách Nhà nước phải hoàn thiện theo hướng khuyến khích các địa phương tự chủ ngân sách. Những nơi nỗ lực tăng thu và tự chủ ngân sách thì phải được phân cấp, phân quyền và quyết định nhiều hơn liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, thu nhập, đầu tư. 

Ngược lại, những địa phương có điều kiện nhưng chậm đổi mới, chậm phấn đấu thì phải đưa ra những điều kiện và tạo áp lực để từng bước tự chủ ngân sách. Mặt khác, việc sử dụng các khoản từ ngân sách trung ương rót phải được giám sát chặt chẽ để việc sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả.

Năm 2012, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM là 23%. Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 yêu cầu tăng tỷ lệ này.

Cụ thể, Nghị quyết 16-NQ/TW yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và TPHCM.

Năm 2018, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cả nước đối với TPHCM.

Nghị quyết 54 của Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, xác định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho TPHCM có nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững (điểm b, khoản 2, Điều 8).

Nghị quyết 54 của Quốc hội đã có một số quy định "cởi trói" một phần về cơ chế, nhưng phần còn lại là nguồn lực về tài chính cần được tiếp tục tháo gỡ.

Kiều Phong