Tăng ngân sách cho TP.HCM: Một khoản đầu tư sinh lợi
Khu công nghệ cao TP.HCM là một trong những nơi cần nguồn đầu tư để góp phần phát triển kinh tế hơn nữa cho thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG
Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của PGS.TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM). Theo ông, phải xem việc tăng tỉ lệ ngân sách cho TP là khoản đầu tư sinh lợi, tạo thêm nguồn thu bền vững cho TP, cho quốc gia.
Đối mặt thách thức
Cụ thể, bối cảnh chung của bức tranh ngân sách quốc gia hiện nay đã bớt căng thẳng so với giai đoạn trước, nhiều địa phương đã vươn lên tự chủ, tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm nợ công.
Trong khi đó, áp lực về đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống của TP đầu tàu của cả nước đến nay quá lớn đến mức cần phải thay đổi tỉ lệ điều tiết.
Những năm 2015-2016, tình hình ngân sách nhà nước căng như dây đàn, bội chi cao, nợ công sát trần với 63,7% GDP (năm 2016), cộng với áp lực trả nợ ngày càng lớn.
Trước tình cảnh đó, trung ương quyết định tăng tỉ lệ điều tiết về trung ương, giảm tỉ lệ điều tiết cho các địa phương, trong đó TP.HCM giảm từ 23% xuống 18%.
Thời điểm đó, TP.HCM mỗi năm mất đi nguồn vốn 10.000 tỉ đồng, trong khi dự toán thu ngân sách ở TP mỗi năm tăng 30.000 tỉ.
Chính quyền TP, các chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng phản biện. Trước đó, nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 cũng yêu cầu phải tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách của TP. Qua kỳ kế hoạch tài chính 2017-2020 có thể thấy rằng ngân sách quốc gia đã bớt căng thẳng hơn, nợ công giảm, bức tranh kinh tế đã tốt hơn.
Trong khi TP.HCM đang đối mặt với hàng loạt thách thức do dân số tăng, quá tải hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, ngập nước... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và bộ mặt của TP đầu tàu kinh tế.
Đây là thời điểm cần xem xét nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% lên 23% hoặc 24-25% như giai đoạn 2011-2016.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Ảnh: TỰ TRUNG
Đến lúc cần chia sẻ với TP.HCM
Dù đặt mục tiêu thu ngân sách lớn nhưng TP.HCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%. Tuy nhiên, thách thức đối với TP hiện quá lớn về tệ nạn xã hội, tội phạm, ma túy, kẹt xe, môi trường ô nhiễm ngày càng tăng... TP cần chủ động tài chính xây dựng các công trình thiết yếu.
Ai cũng nhìn thấy cầu Bình Tiên rất quan trọng nhưng 20 năm qua chưa có ngân sách đầu tư. Nếu có ngân sách chủ động, TP sẽ sớm triển khai đường sắt đô thị 2, 3, 4; các đường vành đai kết nối với các cao tốc, kết nối với các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm, kết nối sân bay Long Thành; đầu tư thêm các bệnh viện, các trường phổ thông, xây dựng các cụm khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghệ cao, khu đô thị sáng tạo...
Tôi nhấn mạnh TP.HCM phải là đô thị đáng sống, nâng xếp hạng so với các đô thị trên các nước vì đây cũng là bộ mặt quốc gia. Thời gian vừa qua, TP đã làm hết sức mình vì cả nước. Nay, khi đã có điều kiện, cả nước cần chia sẻ với TP.HCM và cả vùng phía Nam thêm phát triển.
Đầu tàu kinh tế TP.HCM hiện đang gặp những thách thức rất nghiêm trọng nên việc tăng tỉ lệ giữ lại ngân sách cho TP là một nhu cầu bức bách. Xét về hiệu quả đầu tư, cần phải xem việc điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% lên 23% là một khoản đầu tư sinh lợi nhuận cao, bền vững cho ngân sách, thay vì là một khoản chi ngân sách sẽ mất đi.
Cần phải có cơ chế khuyến khích các địa phương tự chủ ngân sách, đóng góp cho ngân sách, thông qua cơ chế phân cấp phân quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế thưởng khi vượt thu...
Muốn vậy, cần phải rà soát, hoàn thiện lại Luật ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó phải điều chỉnh các khoản địa phương thu hộ, ngân sách trung ương được hưởng 100% thì phải tính lại tỉ lệ để địa phương được hưởng một phần nguồn thu (điều 35 của Luật ngân sách nhà nước).
Các khoản thu phân chia theo tỉ lệ % giữa ngân sách trung ương và địa phương thì phải tính lại % cho các đô thị, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế để nuôi dưỡng nguồn thu.
Đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách đối với TP.HCM
Theo Đề án tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.HCM giai đoạn 2021-2025 vừa được Sở Tài chính TP.HCM soạn thảo và lấy ý kiến, TP.HCM dự kiến lộ trình điều chỉnh tăng tỉ lệ phân chia ngân sách trung ương cho TP.HCM giai đoạn 2021-2025 là 24% và giai đoạn 2026-2030 là 33%.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, việc tăng tỉ lệ phân chia theo lộ trình sẽ hài hòa tỉ lệ phân chia ngân sách giữa các tỉnh thành và giúp TP.HCM có thêm nguồn lực thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững. Xét về lâu dài, TP.HCM và các tỉnh thành cùng có lợi từ kết quả của việc thực hiện đề án này.
Với mức 18% hiện nay, tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển của TP.HCM càng trở nên trầm trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống ô nhiễm hơn và trở nên thiếu an toàn.
Những yếu tố này cùng làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM như là một nơi có chất lượng sống tốt, cũng như các hoạt động giao dịch thương mại, kinh doanh, đầu tư…