|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tư duy chia sẻ trong điều tiết ngân sách cho TPHCM

03:30 | 13/12/2019
Chia sẻ
Năm 2019, tổng thu ngân sách của TPHCM vẫn cao nhất cả nước, tới 412.474 tỉ đồng, đạt 103,34% dự toán và tăng hơn 9% so với cùng kỳ, theo số liệu được thành phố công bố trong kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân. Thế nhưng, nếu xét về tỷ lệ thì tổng thu ngân sách của thành phố trong tổng thu ngân sách quốc gia đã giảm so với trước đây. Sự đóng góp thấp hơn này có nguyên nhân của nó.
Tư duy chia sẻ trong điều tiết ngân sách cho TPHCM - Ảnh 1.

Không sử dụng hết tiềm năng của TPHCM là một sự lãng phí tài nguyên quốc gia, lãng phí nguồn lực vật chất và tinh thần. Ảnh minh họa:Thành Hoa

Một trong những nguyên tắc cơ bản của thu ngân sách là nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu nguồn thu, đặc biệt là từ địa phương trọng yếu của nền kinh tế, được giữ lại một tỷ lệ hợp lý để đầu tư phát triển, thì sự đóng góp cho ngân sách trong tương lai sẽ cao hơn. Giống như cái cây càng khỏe mạnh thì cho sản lượng thu hoạch càng cao. Hay như cỗ máy, dây chuyền, được bảo dưỡng tốt để chạy hết tốc lực, sẽ cho ra sản lượng nhiều hơn.

TPHCM trong vòng năm năm trở lại đây đã gần như không còn được hưởng nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu khi tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giờ chỉ còn 18%. Trong một lần trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thu chi ngân sách khó khăn và chúng ta vẫn bội chi nên về tỷ lệ điều tiết, TPHCM cần chia sẻ khó khăn với cả nước.

Trên thực tế, không cần đợi đến sự giải thích của đại diện cơ quan quản lý ngân khố quốc gia, thành phố đã luôn đi đầu, chia sẻ khó khăn với đất nước. Tuy nhiên, để có thể chia sẻ lâu dài, thành phố cần phát triển. Nói thẳng ra, nếu không phát triển, TPHCM chia sẻ bằng gì?

Dự án đường sắt đô thị - dự án có tầm quan trọng hàng đầu đối với giao thông thành phố đã và đang bị chậm tiến độ. Một đô thị tầm cỡ như TPHCM mà đến nay vẫn chưa có hệ thống tàu điện ngầm. Những đoạn đường ray trên không của tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên mà người dân ai ai đi qua cũng nhìn thấy, thời gian qua không dài ra được, tiến độ thi công chậm vì thiếu vốn.

Để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển thành phố, Hội đồng nhân dân TPHCM kiến nghị nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố, theo lộ trình 10 năm. Theo đó, có phương án giai đoạn 2021-2025 là 24%, đến giai đoạn 2026-2030 là 33%. Con số 33% vẫn là quá thấp so với mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của TPHCM, chưa so sánh với các đô thị cùng quy mô trên thế giới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân nhấn mạnh tỷ lệ điều tiết hiện hành mà thành phố được hưởng so với các đô thị cùng tầm cỡ của quốc tế là thấp nhất thế giới. Ông dẫn chứng một đô thị tương đương ở Nhật Bản được hưởng mức điều tiết 30%; một đô thị của Na Uy được hưởng mức điều tiết 60%.

Mức điều tiết thấp mà TPHCM đang có không những đã không hỗ trợ cho việc nuôi dưỡng nguồn thu mà còn khiến cho đầu tàu kinh tế của cả nước không phát huy được hết các tiềm năng sẵn có. Một đồng ngân sách để lại thêm cho thành phố có thể mang về nguồn thu cao gấp đôi, gấp ba cho đất nước. 

Không sử dụng hết tiềm năng của TPHCM là một sự lãng phí tài nguyên quốc gia, lãng phí nguồn lực vật chất và tinh thần. Đáng nói hơn đó là sự lãng phí bất hợp lý mà nền kinh tế đáng lẽ không phải gánh chịu!

Giải pháp trước mắt trong tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM nên chăng là để lại toàn bộ phần thu vượt dự toán hàng năm mà thành phố đạt được cộng với mức điều tiết được tính toán có cơ sở công khai, minh bạch. 

Nên nhớ là dự toán thu ngân sách của thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước. Chỉ tiêu dự toán thu mà Bộ Tài chính giao cho thành phố chưa bao giờ thấp hơn mức dự thu mà các sở, ban ngành TPHCM soạn thảo và trình lên. Với con số thu tuyệt đối hơn 400.000 tỉ đồng/năm, mức vượt dự toán 3-4%/năm chưa phải lớn và thành phố xứng đáng được giữ lại toàn bộ phần thu vượt dự toán này.

Cũng cần phải nói rõ nhiều doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn thành phố sử dụng nguồn lực của thành phố để kinh doanh và được hưởng các ưu đãi cũng như tiềm năng sẵn có của địa phương, song sự đóng góp cho ngân sách của họ lại được tính vào ngân sách trung ương. Điều này cho thấy mức đóng góp thực sự của TPHCM cho ngân sách có khả năng còn cao hơn một khi được tính đúng, tính đủ.

Nhìn về tương lai, sự điều tiết ngân sách cho TPHCM không chỉ gói trong đó tư duy chia sẻ khó khăn với cả nước, mà còn là tư duy cho sự tăng trưởng GDP bền vững mà đất nước đang rất cần. Thành phố đã "thắt lưng buộc bụng" trong suốt những năm qua và sự "thắt lưng buộc bụng" đã đến giới hạn. Hơn bao giờ hết, bây giờ việc xem xét nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM đã trở nên bức thiết và không thể không tiến hành.

Hải Lý