|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Học may từ lúc 7 tuổi, chớp thời cơ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, chàng trai Nam Định tạo nên thương hiệu áo vest nổi tiếng

09:30 | 02/04/2020
Chia sẻ
Liên tục ra nước ngoài học hỏi, mua những máy móc hiện đại nhất và chăm lo đời sống của thợ may là những giải pháp để ông chủ thương hiệu thời trang Ngọc Hòa thực hiện để phát triển bền vững từ thập niên 90.

Là con út trong một gia đình tham gia hợp tác xã may ở thành phố Nam Định thời bao cấp, Trần Đức Hòa bắt đầu học may từ khi anh mới 7 tuổi. Bố, mẹ anh sinh 5 người con. Ban ngày, bố anh làm việc trong hợp tác xã. Vào các buổi tối và ngày nghỉ, ông nhận sửa quần, áo cho người dân trong khu phố và may gia công cho xí nghiệp để kiếm thêm tiền nuôi con.

"Khi tôi học lớp 7, tôi đã có thể tự may quần, áo hoàn chỉnh. Vào các mùa hè, trong lúc bạn bè cùng trang lứa vui chơi, mấy anh, chị, em tôi mải miết may để gia công các đơn hàng mà bố nhận", anh Hòa kể.

Hành trình lập nghiệp với nghề may

Năm 1990, Hòa tốt nghiệp phổ thông trung học. Đó là khi nền kinh tế đất nước bắt đầu vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy học lớp chọn chuyên ban A của trường PTTH Trần Hưng Đạo ở Nam Định, anh không thi vào trường đại học mà làm việc cho một xí nghiệp may vào năm 1991. Chỉ sau 6 tháng, anh xin nghỉ rồi học nâng cao tay nghề may.

"Ngoài kĩ năng và kiến thức gia truyền mà bố dạy, tôi tìm tới nhiều thợ may giỏi để học nhiều kĩ năng của họ. Năm 1992, sau khi đã có thể may áo vest, tôi mở tiệm may tại nhà ở phố Nguyễn Trãi, thành phố Nam Định", anh kể.

Học may từ lúc 7 tuổi, chớp thời cơ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, chàng trai Nam Định tạo nên thương hiệu áo vest nổi tiếng - Ảnh 1.

Trần Đức Hòa bén duyên với nghề may từ khi mới 7 tuổi. Ảnh: Đức Hòa

Vì bố vẫn muốn Hòa làm cho doanh nghiệp nhà nước nên anh thi tay nghề vào Công ty may Sông Hồng (hiện tại vẫn là một trong những công ty may lớn nhất cả nước với hơn 10.000 công nhân). Anh trúng tuyển và làm việc tại phòng kỹ thuật của công ty. Trong thời gian làm thuê, anh vẫn tiếp tục duy trì tiệm may.

Rồi cũng chỉ sau 6 tháng, anh lại thôi việc và chuyển tiệm may tới phố Mạc Thị Bưởi (trung tâm thành phố Nam Định). Năm 1995, anh sáng lập thương hiệu thời trang Ngọc Hòa.

Khi thương hiệu ra đời, anh Hòa xác định sứ mệnh của nó là: Mang tới giá trị, sự tự tin cho người mặc. Để có thể đạt chất lượng cao nhất, anh hạn chế số lượng sản phẩm.

Học hỏi khắp nơi, đón đầu công nghệ

Trong những tháng đầu, Hòa tới các tiệm may lâu đời ở Nam Định để học hỏi. Sau đó, anh học tiếng Trung Quốc rồi lặn lội sang Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ để học hỏi từ các doanh nghiệp dệt may cũng như ngành thời trang ở những thị trường đó.

Công nghệ là yếu tố mà Đức Hòa rất coi trọng. Anh sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để mua các loại máy hiện đại nhất trong ngành may mặc như máy ép phom, máy đột khâu tay. Đây là những loại máy mà ngay cả những tiệm may lớn ở Hà Nội hay Sài Gòn không có. Nhờ chúng mà chất lượng sản phẩm của anh luôn đạt chuẩn rất cao.

Học may từ lúc 7 tuổi, chớp thời cơ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, chàng trai Nam Định tạo nên thương hiệu áo vest nổi tiếng - Ảnh 2.

Ông chủ Trần Đức Hòa trong một lần gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đức Hòa

Nhờ học hỏi ở khắp nơi và mua máy móc hiện đại mà Đức Hòa liên tục tạo ra những bộ vest (dành cho cả nam và nữ) có chất lượng, hợp xu hướng thời trang và tạo nên sự tự tin cho người mặc. Trung bình mỗi ngày, các tiệm may Ngọc Hòa phục vụ 20-30 khách hàng.

Mặc dù tiếp đón hàng chục khách hàng mỗi ngày, song anh Hòa không có đội ngũ bán hàng, mà chỉ tuyển dụng một người phụ trách hoạt động tiếp thị. Phần lớn khách hàng mới đến với các tiệm Ngọc Hòa nhờ lời giới thiệu của khách cũ. Anh tự đảm nhận khâu tiếp khách, và kiêm luôn "người mẫu" cho các bộ vest nam.

Năm 2009, thương hiệu Ngọc Hòa mở tiệm may thứ hai ở thành phố Ninh Bình. Hiện tại, thương hiệu cũng đã có showroom ở Hà Nội. Đây là cửa hàng thứ ba của thương hiệu ở Việt Nam.

Dấu ấn của khách hàng trên áo vest

Một nét độc đáo nữa ở thương hiệu Ngọc Hòa là khách hàng sẽ tự quyết định các tiểu tiết như màu lót, số cúc tay, độ dài của áo, nội dung chữ thêu. Anh luôn thêu tên của khách hàng ở bên trong áo vest để họ có thể tự hào về nó.

Hiện nay sản phẩm của Ngọc Hòa khá nổi tiếng ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nam Hà, Ninh Bình. Sản phẩm của anh theo chân các vị khách nước ngoài và Việt kiều sang các nước Pháp, Nhật, Lào, Đức, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Vào những giai đoạn bận rộn nhất, xưởng may của anh có tới 50 công nhân, may 25 bộ vest và 90 quần mỗi ngày.

Học may từ lúc 7 tuổi, chớp thời cơ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, chàng trai Nam Định tạo nên thương hiệu áo vest nổi tiếng - Ảnh 3.

Khách hàng sẽ tự quyết định các tiểu tiết như màu lót, số cúc tay, độ dài của áo, nội dung chữ thêu trên áo vest của Ngọc Hòa. Ảnh: Đức Hòa

Những thợ lành nghề của Ngọc Hòa gắn bò rất lâu với xưởng và họ có thể làm ở nhà rồi nộp sản phẩm. Để thợ may luôn đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất, anh Hòa luôn cố gắng tạo điều kiện để họ có tâm thế bình an.

"Quan điểm của tôi là: Sự khéo léo và nhiệt huyết của người thợ chỉ có thể đạt mức cao nhất khi họ cảm thấy thanh thản, hạnh phúc, yên tâm về tương lai", anh thổ lộ.

Bên cạnh việc tạo điều kiện làm việc linh hoạt và thoải mái cho thợ may, Đức Hòa còn chăm lo đời sống tinh thần cho những người thân của họ. Mỗi khi công ty tổ chức cho nhân viên đi du lịch, anh luôn mời cả người thân của họ đi cùng.

Sự sáng tạo trên mặt trận tiếp thị

Quảng cáo cũng là "mặt trận" mà Đức Hòa thể hiện sự sáng tạo ở mức cao. Khi phần lớn tiệm may chỉ treo biển quảng cáo tại tiệm, thương hiệu Ngọc Hòa đặt những tấm biển quảng cáo khổ lớn ở cửa ngõ vào và cửa ngõ ra thành phố Nam Định. Anh cũng đặt biển quảng cáo ở các trạm xe buýt. Vì thế, nhiều người cảm thấy thương hiệu Ngọc Hòa rất quen thuộc dù họ chưa có điều kiện mặc áo vest Ngọc Hòa.

"Nhiều năm trước, nhiều người dân ở thành phố Nam Định luôn thấy biển quảng cáo của Ngọc Hòa mỗi khi trở về quê hương. Họ coi biển quảng cáo của Ngọc Hòa như lời chào thân thương của thành phố đối với những người con xa xứ", anh Hòa bình luận.

Nhạc Phong