Hồ tiêu rớt giá liên tục, người dân khó trăm bề
Một vườn hồ tiêu chết trắng. Ảnh minh họa: Hoài Nam - TTXVN
Những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn ra tình trạng cây tiêu chết hàng loạt. Các yếu tố biến đổi khí hậu, chất đất nhiều nơi không phù hợp, thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô, nấm bệnh hoành hành khiến năng suất, số lượng hồ tiêu ngày càng giảm.
Việc giá tiêu liên tục giảm, khan hiếm nhân công thu hoạch cũng đang khiến người dân trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn trăm bề.
Tỉnh Bình Phước hiện có tổng diện tích trên 17.000 ha trông tiêu. Gần đây năng suất tiêu giảm đáng kể cây tiêu chết hàng loạt do bệnh dịch hoành hành khiến nhà nông trên địa bàn tỉnh “đau đầu”.
Nguyên nhân dẫn đến các vườn tiêu bị chết hàng loạt ngoài yếu tố do biến đổi khí hậu thì còn nhiều yếu tố tác động. Đặc biệt là từ mùa vụ 2014-2016, giá tiêu tăng cao, lúc cao điểm lên đến 220.000 đồng/kg nên người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích cao su, điều, cây ăn trái... sang trồng tiêu.
Việc trồng tiêu tự phát ở những vị trí đất không phù hợp, cây giống trôi nổi trên thị trường cộng với mưa nhiều, độ ẩm cao, người trồng không nắm chắc kỹ thuật chăm sóc khiến các dịch bệnh hại tiêu dễ bùng phát và lây lan, điển hình là bệnh chết nhanh chết chậm. Bên cạnh đó, giá tiêu giảm sâu khiến nhiều nông dân bỏ vườn tiêu, không chăm sóc nên cây bị suy kiệt từng ngày.
Người dân trồng tiêu trên địa bàn Bình Phước còn phải đối mặt với giá tiêu xuống thấp, trong khi tiền thuê nhân công hái tiêu lại cao. Vào thời điểm này, giá tiêu chỉ giao động từ 43.000 - 46.000 đồng/kg. Bình Phước là một trong những địa phương trồng tiêu lớn của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước nên người nông dân còn phải đối diện với tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, mùa mưa thì thiệt hại do lốc xoáy. Vì vậy, không ít hộ trồng tiêu đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Gia đình ông Hồ Văn Nhật ở ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh đã trồng tiêu lâu năm. Nay do giá xuống thấp khiến gia đình gặp không ít khó khăn. Gia đình ông có gần 4 ha đất trồng tiêu gần 10 năm tuổi, nhưng vài năm trở lại đây phải đối diện với tình trạng tiêu chết vô phương cứu chữa, giá cả ngày một thấp. Việc đầu tư cho mùa vụ tiếp theo rất khó khăn. Chính vì vậy, gia đình ông quyết định chuyển đổi dần sang trồng cây ăn trái...
Hộ gia đình ông Trần Xuân Thái, ở ấp 6 B, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh chết nhanh, chết chậm và một số bệnh thường gặp trên cây tiêu để sớm phát hiện, xử lý bệnh kịp thời.
Ông cho rằng, cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt nếu tưới đủ nước, vườn thông thoáng, không ứ đọng, đặc biệt đất trồng phải được phơi và xử lý kỹ bằng vôi trước khi trồng.
Trước tình trạng giá tiêu liên tục giảm ông Thái cho biết: Thời điểm này người nông dân trồng tiêu rất cực, giá quá thấp không đủ bù lỗ chi phí đầu tư. Sắp tới, ông Thái cũng sẽ nghiên cứu chuyển đổi cây khác để kiếm sống...
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có giải pháp giúp người dân đối phó sâu bệnh trên cây tiêu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện này, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu, cụ thể điều trị cho cây tiêu. Người dân vẫn đang loay hoay tự cứu vườn tiêu của gia đình bằng kinh nghiệm vốn có và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Trong dự án phát triển tiêu bền vững, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam cam kết sẽ đồng hành với nhà nông về kỹ thuật cũng như thu mua hồ tiêu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị UBND các huyện, thị xã hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tích cực khuyến cáo người dân không nên bỏ thu hoạch sẽ khiến hồ tiêu kiệt sức trong vụ tiếp theo. Người dân không nên chuyển đổi ồ ạt sang trồng cây khác, sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, chỉ nên chuyển đổi những vườn tiêu trên đất quá trũng hoặc quá cao thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô, năng suất kém.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết cho biết: Hiện nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi một phần diện tích cây tiêu bằng một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, Sở khuyến cáo nông dân không nên trồng lại cây tiêu trên diện tích tiêu đã chết vì hiện nay quy mô trồng tiêu đã vượt hơn 3.000 ha kế hoạch của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã làm việc với Công ty gia vị Nedspice tiến hành thu mua khoảng 10.000 tấn hồ tiêu, tạm thời giải quyết phần nào khó khăn cho người dân trong vụ mùa năm nay./.