Doanh nghiệp tiêu, điều… điêu đứng vì thời tiết
Người dân trồng tiêu tại huyện Xuyên Mộc trước nỗi lo mất mùa. Ảnh: Gia Huy |
Điều “khóc ròng”
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, năm 2016 là một năm vui với người trồng điều tỉnh này (vốn được coi là thủ phủ của ngành điều Việt Nam) khi sản lượng đạt 202.000 tấn trên diện tích 149.000 ha và đặc biệt, giá điều cao nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì nỗi lo vụ điều năm 2017 lại ập đến. Bởi thời gian vừa qua, các tỉnh phía Nam hứng chịu nhiều trận mưa trái mùa đúng thời điểm cây điều ra trái đợt đầu.
Những ngày này, ông Nguyễn Văn Chiến ở thôn Khắc Khoan (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) ra sức cứu vườn điều rộng 110 ha. “Đúng lúc điều ra hoa thì gặp mưa trái mùa liên tiếp đã khiến hàm lượng muối lớn phủ lên cây điều nên độ đậu quả bị giảm tới 50%. Đồng thời làm ảnh hưởng tới 10% bông”, ông Chiến nói. Cũng theo ông Chiến, để cứu những phần còn lại của đợt ra quả này, các chủ vườn phải dùng thuốc xịt sâu non sau mỗi trận mưa. Do chưa có công nghệ phun diện rộng, việc xịt rửa muối chỉ áp dụng trên diện tích điều nhỏ.
Cùng mối lo này, các doanh nghiệp còn thấp thỏm lo thiếu hàng cung cấp cho những đơn hàng xuất khẩu trong năm 2017. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo cho biết, giá điều đang tăng cao, từ 45.000 – 50.000 đồng/kg và với tình trạng mất mùa, giá sẽ lên hơn 50.000 đồng/kg. Theo ông Sơn, Việt Nam tuy có nhiều vùng trồng điều, nhưng sản lượng không nhiều và chất lượng không cao. Chưa kể, các doanh nghiệp không có phương án dự trữ vì không lường tới ảnh hưởng xấu của thời tiết.
Giờ đây, các doanh nghiệp và nông dân ở Bình Phước chỉ còn biết trông chờ vào những đợt điều ra hoa mới, vì đợt hoa đầu coi như bỏ, còn đợt hoa thứ hai (tháng 3) và đợt hoa thứ ba (tháng 4), mỗi đợt kéo dài khoảng 15 ngày, nhưng cũng sẽ kém nếu thời tiết khắc nghiệt.
Tiêu “mệt mỏi”
Thời điểm này, tiêu đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Anh Cao Quyết Thắng ở Xuyên Mộc (tỉnh Đồng Nai) có hơn 1.000 trụ tiêu đang chuẩn bị chín. Tuy nhiên, theo anh Thắng, những năm trước, vườn tiêu của gia đình thu hoạch bình quân mỗi trụ được 6 - 8kg, nhưng vụ này chỉ đạt khoảng 4kg/trụ, giảm trên 30%. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi nên năng suất kém.
Gia đình ông Trần Văn Hùng ( huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cũng không là ngoại lệ khi hơn 3.000 trụ tiêu đang khai thác có đến gần 1.000 trụ sản lượng giảm trên 60% do ảnh hưởng của bệnh chết nhanh, chết chậm. Dù giá tiêu hiện tại trên thị trường tăng mạnh, nhưng gia đình ông Hùng thất thu trên 1 tỷ đồng.
Vùng nguyên liệu tiêu lớn như tỉnh Gia Lai cũng trong cảnh khó khăn vì sản lượng giảm do thời tiết không thuận lợi. Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, địa phương có khoảng 13.104 ha hồ tiêu, trong đó 10.065 ha tiêu trong giai đoạn kinh doanh, nhưng năng suất niên vụ này giảm khoảng 30% so với vụ trước.
Đầu tư nhà xưởng với diện tích 3 ha tại quận 9 (TP.HCM), Công ty TNHH Hồ tiêu Việt cũng nhận những đơn hàng xuất khẩu mới qua thị trường Ấn Độ, Canada, Trung Quốc… Chưa kể, năm 2013 công ty này đầu tư 30 ha vùng nguyên liệu trồng tiêu tại tỉnh Gia Lai. Vì thế, bà Hứa Thị Liên, Giám đốc công ty tự tin ký hợp đồng xuất khẩu lớn. Nhưng vụ thu hoạch chuẩn bị diễn ra mà lượng tiêu lại giảm mạnh, khiến Công ty đứng trước mối lo thiếu hàng và vị lỗ khi xuất khẩu do giá đang tăng cao.
“Niên vụ 2016-2017 được dự đoán là tiêu mất mùa nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ở Gia Lai và toàn vùng Tây Nguyên. Cùng yếu tố thời tiết tiêu cực, nguyên nhân dẫn đến sụt giảm năng suất, sản lượng còn do nhiều diện tích tiêu già cỗi và kỹ thuật canh tác lạc hậu… Vì thế, việc Công ty tôi lỡ ký hợp đồng xuất khẩu sẽ gặp khó khăn, nên chấp nhận chịu lỗ để giữ khách hàng, đồng thời phải đi gom hàng từ nhiều tỉnh để đảm bảo hàng xuất khẩu”, bà Liên nói.