|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vụ hồ tiêu Gia Lai vỡ trận: Về nhà làm gì?

07:26 | 04/04/2019
Chia sẻ
Ngành chức năng tỉnh Gia Lai kêu gọi nông dân bể nợ vì hồ tiêu trở về quê quán làm ăn nhưng dân thì cho rằng nếu về cũng chẳng biết làm việc gì, ngu ngơ còn bị cưỡng chế nhà cửa...

Bài toán quá khó

Theo UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh có hơn 5.547ha hồ tiêu bị chết vì bệnh, dịch với 32.278 hộ có tiêu chết. Bên cạnh đó, giá tiêu tụt thê thảm khiến nhiều hộ dân vay tiền ngân hàng trồng tiêu không có khả năng trả nợ, đã bỏ quê đi làm ăn xa để trốn nợ. Thống kế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Gia Lai, thì tổng dư nợ mà người dân vay trên 4.300 tỉ đồng với hơn 26.000 hộ vay, trong đó 2.200 tỉ là nợ xấu.

Vụ hồ tiêu Gia Lai vỡ trận: Về nhà làm gì? - Ảnh 1.

Nhiều gia đình trồng tiêu phải bỏ xứ mà đi

Vấn đề là nhiều nông dân muốn khoanh nợ, song ngân hàng chỉ có thể cơ cấu, giãn nợ, gia hạn nợ, còn việc khoanh nợ thì chỉ khi dịch bệnh diễn ra trên diện rộng và thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Khi Thủ tướng đồng ý thì việc khoanh nợ sẽ diễn ra trong 2 năm, lúc này người dân không phải trả lãi. Tuy nhiên, vấn đề mới lại phát sinh là trong 2 năm đó, ai sẽ trả lãi cho ngân hàng.Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc NHNN chi nhánh Gia Lai cho biết, ngành ngân hàng đang tìm giải pháp tháo gỡ cho dân. Nếu người vay gặp khó khăn khi trả nợ, ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ, trong đó có việc điều chỉnh, gia hạn nợ. Bên cạnh đó, giảm lãi suất hoặc miễn giảm lãi tiền vay, thậm chí cho người dân vay tiếp để tái cơ cấu nợ.

Vụ hồ tiêu Gia Lai vỡ trận: Về nhà làm gì? - Ảnh 2.

Những trụ tiêu bị nhổ bỏ chờ bán lấy tiền trả lãi cho ngân hàng


Trước đây thì ngân sách TƯ trả, nhưng theo quy định hiện nay thì cấp nào đề nghị khoanh nợ cấp đó phải xuất ngân sách chi trả. "Với lãi suất bình quân 10%/năm thì 2.200 tỷ đồng nợ xấu sẽ có lãi suất là 220 tỉ đồng. Trong 2 năm, số lãi này sẽ thành 440 tỉ đồng, một số tiền rất lớn đối với ngân sách tỉnh Gia Lai", ông Cự nói.

Về nhà làm gì?

Trước tình hình trên, ông Cư kêu gọi người dân quay về địa phương tiếp tục SX và ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng người dân trồng tiêu. Tuy nhiên, tại các huyện trồng nhiều tiêu như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ, Đak Đoa, Mang Yang... đã có hàng ngàn người vì áp lực nợ nần đã phải bỏ nhà, bỏ cửa, tha phương cầu thực. Không chỉ người lớn, mà cả những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học cũng vậy.

Trước đây, gia đình bà Hồ Thị Sinh (SN 1942, trú thôn Hòa Thắng, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) vốn là đại gia tầm cỡ với 9 mẫu đất trồng hơn vạn trụ tiêu. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, kể từ khi cây tiêu chết dần chết mòn, giá xuống đáy thì các con, các cháu bà dắt díu nhau ly tán tứ tung. Hiện tại, đôi vợ chồng U80 này phải vào làng đồng bào bán bún, bán đồ lặt vặt cho trẻ con kiếm tiền nuôi nhau.

Ngày nào ổn thì họ kiếm được 50.000 đồng, đủ để hai thân già rau cháo qua ngày, còn ngược lại thì nín nhịn cho qua bữa. Chỉ tội các con, các cháu, đến giờ này bà Sinh cũng không liên lạc được với đứa nào. Bà chỉ nhớ mang máng là mấy đứa cháu đang học cấp III cũng bỏ học vào TP.HCM kiếm việc làm. "Kiếp gì mà khổ quá chú ơi, mấy đứa nhỏ ăn chưa no, lo chưa tới, tội tình gì đâu mà phải bỏ học giữa chừng", bà Sinh than.

Vụ hồ tiêu Gia Lai vỡ trận: Về nhà làm gì? - Ảnh 3.

Bà Phan Thị Hoa xót xa cho cậu con trai phải bỏ học vào TP.HCM kiếm tiền nuôi gia đình


"Cựu đại gia hồ tiêu" ở thị trấn Nhơn Hòa là chị Bạch Thị Yến (SN 1981) cho biết, hiện chị đang làm công nhân ở một NM đông lạnh trong TP.HCM. Mỗi tháng, sau khi trừ tất cả chi phí, tằn tiện chi tiêu, chị còn dư 5 triệu đồng gửi về nuôi 3 con nhỏ ăn học.

"Về quê không có việc làm thì lấy gì mà sống, chả lẽ cả nhà nhìn nhau là qua bữa được sao. Đó là chưa kể còn bị ngân hàng réo gọi đòi nợ, cưỡng chế nhà đất như vụ Vietcombank Chư Sê mới đây, đau đầu lắm chú ơi", chị Yến kể.

Một "cựu đại gia hồ tiêu" ở thị trấn Nhơn Hòa là bà Lê Thị Vui (SN 1957) thì nói rằng, thời vàng son, trồng hồ tiêu dễ như trồng dây khoai lang, rất nhanh có tiền tỷ.

Ấy vậy mà giờ đây, dù đã bước qua cái tuổi 60 nhưng bà vẫn cặm cụi đi bán từng bó rau lang tự trồng trong vườn mưu sinh qua ngày.

Bà kể, sau khi tiêu chết hết, gia đình đầu tư 60 triệu đồng để mua giống bí bỏ về rải lên rẫy. Ai dè đến kỳ, họ chỉ thu hoạch được chưa đầy 20 triệu đồng, lỗ chổng gọng.

"Giờ ở thủ phủ hồ tiêu này chả làm ăn được gì, những người còn sức khỏe đã bỏ đi hết trơn rồi chú ơi", bà Vui than.

Tìm hiểu từ một cán bộ ở đây được biết, sau khi tiêu chết sạch, người dân đã đồng loạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách trồng bơ, mít, sầu riêng, la ghim...

"Hiện tại, ai cũng đang làm như vậy, trong khi các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông cũng đã trồng quá nhiều các loại cây này. Tôi e rằng một thời gian nữa, các nông sản trên sẽ khủng hoảng thừa. Ví dụ thực tiễn nhất ở huyện này là 2 loại quả bí đỏ và ớt, do quá nhiều người trồng mà không có chỗ tiêu thụ nên bỏ thối đầy đồng", vị cán bộ cho biết.

Tại thôn Hòa Lộc (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh), các em Nguyễn Đồng, Huỳnh Truyền (đều học lớp 10A1 trường PTTH Nguyễn Thái Học) quyết định bỏ học để dắt nhau vào TP. HCM kiếm việc làm.

Về lý do nghỉ học, Đồng nói do cha mẹ tìm không ra việc ở địa phương, đến trường thì cái bụng lúc nào cũng "réo rắt", rồi bị nghe nhắc về tiền học phí nên tâm trạng đâu mà học. Hiện tại, các em đang làm việc tại 1 xưởng may tư nhân ở quận Tân Bình, từ 7h cho đến 22h mới được nghỉ. Thu nhập sau khi trừ ăn uống, ngủ nghỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng.

Còn theo mẹ Đồng là bà Phan Thị Hoa (SN 1961), bà cũng muốn vào Sài Gòn để kiếm sống nhưng già rồi người ta không thuê, còn ở địa phương thì chẳng có việc chi mần nên đành nhờ con cái nuôi.

"Nhìn chúng nó mới có tí tuổi đầu mà phải bỏ học, bôn ba xứ người, lao động nặng nhọc nuôi gia đình, làm cha làm mẹ sao mà không xót xa, càng nghĩ càng hận bản thân", bà Hoa nức nở.

Tùy Phong