Hình ảnh các thương hiệu ngoại theo góc nhìn của người Việt
Cùng với sự phát triển của kinh tế, mức sống của người Việt đang dần được cải thiện và các sản phẩm trong nhiều lĩnh vực càng trở nên đa dạng, nhiều mẫu mã và đến từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước.
Theo báo cáo của Q&Me về góc nhìn của người Việt về các thương hiệu hoạt động tại Việt Nam, cho thấy các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ được nhắc đến nhiều nhất về tính chuyên nghiệp. Trong khi đó các công ty từ Trung Quốc thường có xu hướng làm việc căng thẳng.
Cụ thể, các công ty Nhật Bản được nhìn nhận chuyên nghiệp, có hiệu quả và đáng tin.Các thương hiệu đến từ Nhật được người Việt nhớ đến nhiều thường là các hãng xe hơi, xe mô tô hoặc điện tử, đồ điện gia dụng. Honda là công ty được nhắc đến nhiều nhất khi người Việt nhớ đến một thương hiệu Nhật (20%), theo sau là Toyota (16%) và Sony (13%).
Các doanh nghiệp đến từ Mỹ lại được đánh giá cao ở sự chuyên nghiệp, tính quốc tế và có hiệu quả. So sánh với các quốc gia khác, doanh nghiệp Mỹ ít có tính truyền thống và thường được nhận diện là có sự cải tiến, linh hoạt.
Ở Việt Nam, các công ty Mỹ có độ nhận diện thương hiệu cao hầu hết đều trong lĩnh vực công nghệ, như Apple (23% người khảo sát nhắc đến hãng smartphone khi nói đến một công ty Mỹ), Amazon (16%) hay Facebook (14%).
Các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc được xem là nơi có môi trường làm việc khắc nghiệt, căng thẳng. Chuyên nghiệp, có hiệu quả và tính quốc tế là tính từ miêu tả các công ty của xứ sở Kim Chi. Các thương hiệu quen thuộc với người Việt là Samsung (41%), LG (26%) và Huyndai (24%).
Trong khi đó, thương hiệu từ Trung Quốc được người Việt nhớ đến thường là các hãng smartphone như Huawei (15%), Xiaomi (14%) hay OPPO (12%). So với những quốc gia còn lại, doanh nghiệp Trung Quốc ít được đánh giá chuyên nghiệp, có hiệu quả và đáng tin hơn, từ góc nhìn của người Việt.
Doanh nghiệp Thái Lan được nhắc đến nhiều về ở trách nhiệm cộng đồng và tính chuyên nghiệp. Cái tên nổi tiếng nhất với người Việt đến từ Thái Lan là nước tăng Redbull (4%).