|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp hội Kinh doanh Vàng đề xuất nhập khẩu 10 tấn vàng

18:18 | 11/06/2024
Chia sẻ
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã đề xuất nhập khẩu 10 tấn vàng để làm nguyên liệu sản xuất trang sức, nữ trang. Đây là lần đề xuất thứ hai trong bối cảnh hơn 11 năm qua, doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu mà chỉ thu mua vàng trên thị trường.

Hai lần đề xuất nhập khẩu vàng để có nguyên liệu sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết năm ngoái, VGTA kiến nghị cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 1,5 tấn vàng nhưng không được chấp thuận. Đầu năm nay, hiệp hội tiếp tục kiến nghị nhập khẩu 10 tấn vàng. Số vàng này sẽ phục vụ để chế tác trang sức, mỹ nghệ. 

Ông nói thêm, nhiều năm qua, ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có nguyên liệu. Nếu mua ở thị trường bên ngoài, khả năng sẽ là vàng nhập lậu; còn vàng nhập chính ngạch thì các doanh nghiệp này chưa được cấp phép. 

“Có ngành nào mà không có nguyên liệu mà vẫn sản xuất được? Đã đến lúc cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng về để chế tác trang sức. Theo Nghị định 24, NHNN có thể uỷ quyền cho các doanh nghiệp khác để nhập khẩu vàng khi cần thiết, phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp vẫn có thể nhập khẩu vàng nếu được phép, mà không cần phải chờ đến khi Nghị định 24 được sửa đổi”, ông nói.

Xưa nay đề tài có nên nhập khẩu thêm vàng hay không đang là vấn đề gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng việc nhập khẩu vàng có thể gây ảnh hưởng đến tỷ giá, trong khi đây không phải là mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng số tiền để chi ra nhập khẩu vàng không quá lớn, trong khi lại giúp ổn định thị trường và nguồn nguyên liệu trong nước. 

Ước tính để nhập khẩu 10 tấn vàng với giá hiện nay khoảng 2.300 USD/ounce, Việt Nam sẽ chi khoảng 736 triệu USD. 

“10 tấn vàng không phải con số quá lớn để có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia. Chúng tôi xin khối lượng nhập khẩu theo nhu cầu tổng hợp chung của các doanh nghiệp. Ví dụ, chỉ tính riêng nhu cầu của PNJ một năm đã là 5 - 6 tấn”, ông Khánh khẳng định. 

 Ảnh minh hoạ: H.Mĩ

Mới đây, một số trang báo nước ngoài trích phỏng vấn ông Khánh: “Chính phủ cho biết sẽ bắt đầu nhập khẩu vàng chính thức vào tháng 7 hoặc tháng 8. VGTA hy vọng đến tháng 7, Chính phủ sẽ cho phép các công ty vàng nhập khẩu trực tiếp”.

Ông cho biết thực chất tất cả thông tin mới dừng lại ở “kỳ vọng” chứ chưa có quyết định chính thức từ NHNN.

“Hồi đầu năm, hiệp hội có họp với NHNN và Chính phủ cho phép các công ty kinh doanh vàng chế tác nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất trang sức, nữ trang. Chúng tôi kỳ vọng, có thể sớm nhất là trong tháng 7, 8 - sau khi NHNN và các cơ quan thanh tra xong các doanh nghiệp vàng, nếu không có vấn đề gì, các doanh nghiệp sẽ được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng để chế tác trang sức, mỹ nghệ”, ông Khánh nói.

Ngành vàng trang sức đang thiếu nguyên liệu

Trong văn bản gửi Chính phủ hồi đầu năm, hiệp hội cho biết tinh thần Nghị định 24 là quản lý chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh mua bán vàng miếng, khuyến khích sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Theo tinh thần đó các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thực hiện nghiêm túc Nghị định 24 là ngưng việc sản xuất vàng miếng đồng thời chuyển sang sản xuất kinh doanh vàng trang sức để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để thành lập các nhà máy, xưởng sản xuất như công ty TNHH MTV VBĐQ Sài Gòn (SJC) :1 nhà máy, Công ty VBĐQ Phú Nhuận( PNJ): 2 nhà máy, Tập đoàn VBĐQ DOJI: 1 nhà máy. 

Lao động cho ngành vàng lên đến trên 30 vạn nhân công chưa kể các làng nghề. Các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, công nghệ, thiết bị để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó yêu cầu nguồn nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cũng tăng lên khá lớn ước khoảng 20-30 tấn/ 1 năm. 

Tuy nhiên, trong hơn 11 năm qua, doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu mà  chỉ thu mua vàng trên thị trường làm nguồn nguyên liệu duy nhất cho nhu cầu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Việc các doanh nghiệp thu mua vàng nguyên liệu trên thị trường trong nước được thực hiện theo phương thức: 

Mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác. 

Mua vàng theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn.

Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu, họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc của nguồn vàng nguyên liệu thu mua, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua vàng trên thị trường. 

Vì vậy, doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu. 

Từ những đắn đo, lo ngại, doanh nghiệp đã và sẽ giảm nhu cầu thu mua hoặc thậm chí dừng việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu, khiến việc tổ chức sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

H.Mĩ