|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư

14:24 | 01/02/2020
Chia sẻ
Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư được kí kết trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vốn có giữa Việt Nam, Philippines và nhân dân hai nước.
Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư - Ảnh 1.

Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư. (Ảnh minh họa. Nguồn: shutterstock)

Thông tin cơ bản về Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư

Thời gian kí kết: 27/2/1992.

Nơi kí kết: Manila, Philippines.

Danh sách thành viên tham gia kí kết: Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Philippines.

Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư được kí kết trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vốn có giữa Việt Nam và Philippines và nhân dân hai nước.

Hai nước mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế sâu rộng, cụ thể là cho việc đầu tư vốn của các nhà đầu tư của các bên trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi bên. Việc hỗ trợ và bảo hộ đầu tư sẽ góp phần làm thịnh vượng cả hai nước.

Mỗi nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của bên kia đầu tư vào lãnh thổ nước mình và thừa nhận các khoản vốn theo các qui định của pháp luật nước mình. 

Vào bất cứ thời điểm nào các khoản đầu tư của các nhà đầu tư của mỗi bên được hưởng đãi ngộ công bằng và được bảo hộ tại lãnh thổ của nước kia.

Phạm vi Hiệp định 

Lợi ích của Hiệp định này chỉ áp dụng cho các trường hợp vốn đầu tư của các nhà đầu tư của một bên vào lãnh thổ của bên kia đã được cơ quan có thẩm quyền của bên kia phê chuẩn bằng văn bản.

Các nhà đầu tư của mỗi bên được đề nghị phê chuẩn đối với mọi khoản vốn đầu tư được thực hiện trước hoặc sau khi Hiệp định này có hiệu lực. 

Bồi thường thiệt hại 

Trường hợp các khoản đầu tư của các nhà đầu tư của một bên vào lãnh thổ của bên kia bị thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, cách mạng, tình trạng báo động quốc gia, đảo chính, khởi nghĩa hoặc bạo loạn trên lãnh thổ của một bên, các nhà đầu tư có liên quan sẽ được bồi thường, đền bù hoặc các cách giải quyết khác trong mọi trường hợp không kém ưu đãi hơn so với áp dụng trong các trường hợp tương tự đối với các nhà đầu tư của bất cứ nước thứ ba nào khác. 

Không ảnh hưởng tới qui định trên, trong phạm vi lãnh thổ mỗi bên đối với bất cứ vấn đề nào các nhà đầu tư được hưởng chế độ đãi ngộ không kém ưu đãi hơn so với đãi ngộ dành cho các nhà đầu tư của bất kì nước thứ ba nào khác.

Giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và các bên 

1. Mọi tranh chấp hoặc khác biệt, kể cả các tranh chấp về mức bồi thường cho việc tịch thu tài sản và các trường hợp tương tự, giữa một bên và nhà đầu tư của bên kia về đầu tư hoặc khoản thu từ đầu tư của nhà đầu tư trên lãnh thổ của bên đó được giải quyết bằng hòa giải thông qua thương lượng. 

2. Nếu tranh chấp hoặc khác biệt đó không thể giải quyết được theo qui định trên thì trong vòng 6 tháng kể từ ngày yêu cầu giải quyết tranh chấp, nhà đầu tư có thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại: 

- Toà án có thẩm quyền của bên đó;

- Hội đồng trọng tài do hai bên thành lập;

- Hội đồng trọng tài mà hai bên đồng ý lựa chọn; 

- Nếu vào thời điểm tranh chấp, hai bên đã là thành viên của Công ước về Giải quyết các tranh chấp về đầu tư giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày 18/3/1965 kí tại Washington, thì tranh chấp có thể đưa ra Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư để hoà giải hoặc giải quyết bằng trọng tài. 

3. Không bên nào được thông qua tranh chấp đã đưa ra trọng tài con đường ngoại giao để tác động đến việc giải quyết trừ khi việc giải quyết đã chấm dứt nhưng một bên không tôn trọng hoặc không tuân thủ các quyết định hoặc phán quyết của tổ chức giải quyết tranh chấp đã được chọn.

Chi tiết về Hiệp định giữa Việt Nam và Philippines về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư 

Phùng Nguyệt