Hết hoành hành ở Trung Quốc, dịch ASF lăm le tấn công trụ cột thứ hai của ngành chăn nuôi heo thế giới
Dịch ASF lăm le đi vào Mỹ từ dòng người di cư bất hợp pháp
Ngay sau khi giới chức địa phương bắt giữ 6 người di cư từ Cộng hòa Dominica tại bờ biển phía tây của Puerto Rico vào ngày 24/9, một nhóm điều tra viên mặc đồ bảo hộ màu trắng đã di chuyển xuống bãi biển. Họ không tìm kiếm ma túy hay hàng lậu, mà là một mối đe dọa khác: các sản phẩm từ thịt heo.
Sau gần 40 năm, Tây bán cầu ghi nhận đợt bùng phát đầu tiên của virus gây dịch tả heo châu Phi (ASF) vào ngày 28/7 năm nay, tại các trang trại nuôi heo ở Cộng hòa Dominica. Đến tháng 9, dịch ASF đã lan đến nước láng giềng Haiti.
Giờ đây, Mỹ - nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, đang cố gắng ngăn chặn ASF tấn công vào các trang trại nuôi heo trong nước và gây họa cho ngành xuất khẩu thịt heo trị giá 7,7 tỷ USD của nước này.
Dù Puerto Rico cách các trang trại nuôi heo chủ lực của bang Iowa hơn 3.500 km, hòn đảo này vẫn thuộc lãnh thổ Mỹ. Hơn nữa, nó còn đang chứng kiến một lượng lớn người di cư không có giấy tờ từ những điểm nóng về dịch ASF như Cộng hòa Dominica hoặc Haiti.
Điều đó càng làm dấy lên lo ngại rằng nếu bùng dịch ASF ở Puerto Rico, Mỹ có thể phải ra lệnh cấm xuất khẩu toàn bộ sản phẩm thịt heo của nước này, Bloomberg cho hay. Ông Ramón González - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Puerto Rico, bình luận: "Đây không chỉ là vấn đề của riêng Puerto Rico, mà nó là rắc rối cho toàn nước Mỹ".
Bác sĩ thú ý Liz Wagstrom của Hiệp hội các nhà sản xuất thịt heo quốc gia Mỹ (một nhóm đại diện cho khoảng 60.000 nông dân nuôi heo) nhấn mạnh: "ASF có thể là dịch bệnh trên heo đáng sợ nhất hiện nay".
Điều khiến ASF trở nên nguy hiểm là dịch này rất khó tiêu diệt và dễ lây lan. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy virus gây dịch ASF ẩn sâu trong tủy xương của những con heo đã chết lâu ngày cũng như trong các sản phẩm giăm bông đã qua xử lý.
Do chưa có thuốc điều trị ASF nên tiêu hủy hàng loạt là một trong số ít biện pháp để kiểm soát dịch này. Cộng hòa Dominica đã tiêu hủy hơn 65.700 con heo trong năm nay để tránh tái diễn đợt bùng phát những năm 1970. Khi đó, đất nước Trung Mỹ này phải xóa sổ toàn bộ đàn heo hơn 1,4 triệu con.
Kể từ khi dịch ASF lần đầu được phát hiện tại Trung Quốc vào năm 2018, chính quyền đất nước tỷ dân đã phải vật lộn với nhiều đợt bùng phát khác nhau. Hiện tại, dịch ASF đã có mặt trên 50 quốc gia khắp châu Phi, châu Âu và châu Á.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Gregorio Torres - trưởng bộ phận nghiên cứu khoa học của Tổ chức Thú ý Thế giới, cho biết: "ASF có thể dễ dàng trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên vật nuôi trong thời đại này. Đó không chỉ là vấn đề đối với hoạt động chăn nuôi heo thương mại".
Mỹ không nhập khẩu các sản phẩm thịt heo của Haiti hoặc Cộng hòa Dominica vì hai nước này cũng có các nhóm dịch tả heo khác. Gần đây, Puerto Rico đã cấm vân chuyển hoặc xuất khẩu thịt heo sang Mỹ. Các cảng và sân bay của hòn đảo này đang được giám sát chặt chẽ để ngăn chặn khả năng người dân đưa thịt heo vào Mỹ.
Tuy nhiên, các tuyến đường di cư bất hợp pháp trên biển lại khó kiểm soát hơn, phát ngôn viên Jeffrey Quiñones của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho hay. Chỉ trong vài giờ của ngày 24/9, các sĩ quan của CBP đã tìm thấy 6 chiếc tàu nhỏ dọc bờ biển phía tây Puerto Rico.
Rải rác xung quanh bãi biển, các sĩ quan tìm thấy một số mẩu bánh mì bologna bọc nhựa và lon xúc xích được sản xuất tại Cộng hòa Dominica, một số đã phát nổ do nắng nóng gay gắt. Đây có thể là một nguồn lây lan dịch ASF.
Hoặc, ông Quiñones còn nói thêm rằng một đôi giày tennis đi qua một trang trại có dịch ASF ở Cộng hòa Dominica hoặc Haiti cũng có thể mang theo virus ASF. "Virus có thể nằm trong đế giày. Đó là lý do tại sao dịch tả heo ASF rất khó ngăn chặn", vị phát ngôn viên cho hay.