Heo sạch, an toàn đang khốn khổ vì bị 'oan'
Theo báo cáo cập nhật của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 17/3 cả nước đã có tổng cộng 18 tỉnh, thành phát hiện đàn heo nhiễm dịch tả heo châu Phi. Thêm vào đó, thông tin thịt heo nhiễm sán gạo tại Bắc Ninh đã gây ra tâm lý lo sợ cho người bán, người mua và cả người chăn nuôi heo.
Thịt heo sạch, có nguồn gốc cũng khó bán
Cách đây một tháng, giá heo hơi tại tỉnh Đồng Nai - khu vực có những trại nuôi heo khủng của khu vực phía Nam vẫn ở mức giá 50.000 - 53.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay những trại heo đang lo sốt vó vì ảnh hưởng của bệnh dịch khiến heo không bán được, giá rớt thê thảm.
Anh Trần Quang, chủ đàn heo hơn 800 con tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết: "Giá thịt heo hơi bây giờ chỉ còn 35.000 - 36.000 đồng/kg khiến chúng tôi khốn đốn, tiến thoái lưỡng nan. Nếu bán thì lỗ hơn 15.000 đồng/kg nhưng không bán thì mỗi ngày tốn vài triệu đồng tiền thức ăn, phòng dịch bệnh."
Không chỉ người nuôi heo, những tiểu thương tại các khu chợ trên địa bàn TP HCM cũng dở khóc, dở cười. Hàng thịt heo của chị Kim Yến, một tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai, ngày thường đều hết sớm thì nay vừa bán chậm mà số lượng bán ra cũng sụt giảm mạnh.
Chị Kim Yến buồn bã vì thịt còn nhiều mà không có khách mua. Ảnh: Thu Hà.
“Vì thông tin dịch bệnh khiến mọi người, kể cả mối nhập heo của tôi cũng dè chừng, có mối ngưng nhập thịt heo luôn. Số lượng bán ra chỉ còn 1/5 so với trước”, chị Yến nói.
Chị Yến còn cho biết giá thịt cũng giảm từ 10 - 20 ngàn/kg tùy loại. "Tiểu thương chợ truyền thống rất thiệt thòi vì người dân không tin nguồn heo ở đây là sạch trong khi mỗi tiểu thương nhập thịt đều phải có kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng”, chị Yến bày tỏ.
Gần đó, sạp thịt heo của chị Kim Phượng cũng không có khách mua hàng dù đã 10 giờ sáng. "Thịt bán ở đây đều có kiểm dịch. Chúng tôi nhìn cũng có thể phân biệt thịt sạch, thịt ngon. Nếu bán hàng không đảm bảo vừa mất uy tín lại còn bị phạt, chúng tôi cũng không dại gì làm thế cả”, chị tâm sự.
Không lây lan qua người
Mặc dù Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đã nhấn mạnh thịt heo mắc dịch tả lợn châu Phi không lây lan qua người, hướng dẫn chi tiết phân biệt thịt heo bệnh nhưng tâm lý lo sợ vẫn khá phổ biến.
Ông Huỳnh Tấn Thành, đại diện Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết, từ khi có thông tin dịch bệnh heo, sức bán của cả chợ giảm khoảng 20-30%. Trước tình hình này, Ban quản lý chợ đã chủ động siết chặt kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ chất lượng không chỉ thịt heo mà còn thịt bò, cá, hải sản... Đồng thời tăng cường lấy mẫu kiểm tra, rà soát thịt bán tại chợ.
“Hiện tại có khoảng 20 tiểu thương bán thịt tại chợ, tất cả nguồn thịt đều được kiểm soát và đảm bảo nguồn gốc, có truy xuất rõ ràng. Chúng tôi đang tính đến phương án sẽ làm các bảng cam kết, mã truy xuất nguồn gốc thịt heo an toàn tại chợ", ông Thành nói.
Thịt bán trong các hệ thống siêu thị lại hút khách. Ảnh: Thu Hà.
Trong khi các chợ truyền thống “khát” khách thì tại các hệ thống siêu thị như Vissan, Co.op Mart hay Bách hóa xanh… lại khá đông khách mua thịt dù giá có cao hơn chợ truyền thống từ 10.000 đến 20.000 đồng mỗi kg.
Thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Saigon Co.op, mức tiêu thụ thịt heo trong những tuần qua của hệ thống này tăng trung bình hơn 20%. Số lượng thịt heo trung bình được bán ra lên đến 45 - 50 tấn/ngày và còn tăng lên 60 - 70 tấn/ngày cuối tuần.
Ông Phạm Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, thịt heo được bán tại các hệ thống siêu thị được nhập trực tiếp từ các đầu mối uy tín như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood... Hầu hết thịt heo từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP.
Vị này cho biết hệ thống đang áp dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Ngoài việc tăng tần suất kiểm soát, hệ thống còn tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo thịt an toàn khi bán đến tay khách.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đưa ra khuyến cáo để bảo đảm sức khỏe và phòng chống dịch bệnh xảy ra trên heo, các nhà sản xuất, chế biến và người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch.
Ban cũng khuyến khích người dân lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thịt heo đã được chứng nhận thuộc chuỗi thực phẩm an toàn (đã được kiểm soát từ khâu nuôi, giết mổ và kinh doanh) với dấu hiệu nhận biết thông qua logo "chuỗi thực phẩm an toàn" hoặc sản phẩm có tem truy xuất (để biết nguồn gốc heo từ trại an toàn với dịch bệnh hay không)...