Hệ thống hải quan điện tử gián đoạn 16 giờ
Ngày 6/8, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và một cửa quốc gia gặp sự cố kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ gặp khó trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan từ hôm qua.
Anh Hoàn, nhân viên công ty xuất nhập khẩu ở quận Tân Bình, cho biết làm hồ sơ nhập các lô hàng thực phẩm cho một doanh nghiệp ở TP HCM nhưng hệ thống bị lỗi. Hai ngày nay anh liên tục trực ở cảng để khi hệ thống hoạt động nhờ hải quan hỗ trợ sớm.
"Tôi làm hàng nhập nên toàn bộ tờ khai ở chiều này gần như đóng cửa, cơ quan hải quan tạm thời ưu tiên cho hàng xuất", anh Hoàn nói.
Đại diện một công ty giao nhận tại quận 4 (TP HCM) nói đã cử khá nhiều nhân viên tới cảnh để xử lý cho khách hàng nhưng vẫn chưa thể xong toàn bộ công việc trong ngày.
"Chúng tôi cấp tập xử lý cho khách hàng nhưng từ sáng hệ thống kết nối với hải quan sập nên chỉ trông chờ hoạt động xử lý tại cảng. Do đó, vẫn còn hàng hoá ùn ứ chưa thể thông quan xong trong hôm nay", đại diện công ty trên nói.
Nhiều doanh nghiệp cho biết vì phải xử lý bằng tờ khai giấy nên nhiều đại lý ở các tỉnh phải chạy về cảng lớn ở thành phố mới làm được thủ tục. Nhân viên hải quan rất cố gắng nhưng họ cũng chỉ có thể khuyến cáo đợi mạng hoạt động trở lại.
Chiều 7/8, Tổng cục Hải quan xác nhận việc hệ thống bị gián đoạn và cho biết đã được khôi phục từ 8h35' sáng nay. Đến nay, hoạt động dần ổn định trở lại sau 16 tiếng bị gián đoạn.
Theo cơ quan này, từ thời điểm hệ thống gặp sự cố đến khi được khắc phục, mọi thủ tục đều được giải quyết kịp thời. Cùng đó, Tổng cục Hải quan cũng có các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để khắc phục sự cố.
Cơ quan này yêu cầu các Chi cục hải quan dừng thực hiện thủ tục khai báo bằng thủ công, biện pháp được sử dụng trong thời điểm sự cố. Các đơn vị cập nhật bổ sung thông tin hàng hóa qua khu vực giám sát lên hệ thống.
Tại khu vực cảng, kho bãi, địa điểm có kết nối hệ thống VASSCM, Tổng cục Hải quan yêu cầu các doanh nghiệp kiểm tra đối chiếu thông tin hàng hóa đã đưa qua khu vực giám sát. Các đơn vị thống kê danh sách các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào khu vực giám sát hải quan để xếp hàng lên phương tiện vận tải xuất cảnh và các lô hàng nhập khẩu đã đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan.
Theo ông Trần Việt Huy, Trưởng Ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - VLA), 90% thủ tục hải quan được xử lý bằng điện tử. Do đó, khi có sự cố, cơ quan hải quan áp dụng thủ tục thủ công bằng giấy sẽ chỉ giải quyết được ở khâu hải quan, còn vẫn vướng ở các khâu khác.
"Làm thủ tục sẽ liên quan nhiều sở ban ngành, một cửa không lưu thông sẽ gây ách tắc, hầu hết đình trệ", ông Huy nói.
Chưa tính được hết thiệt hại nhưng theo ông Huy, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro mất thêm chi phí lưu kho, ước tính khoảng 12-15 USD một ngày với 1 container 20 feet. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu rủi ro rớt tàu, rớt chuyến, tổn thất chi phí vận tải do đặt lịch nhưng tàu không vào được.
Ông nói thêm, hệ thống hải quan được xây dựng từ năm 2014. Sau 10 năm kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đáng kể. Do đó, ông cho rằng nhà chức trách cần nâng cấp hệ thống mới, có phương án dự phòng cho các trường hợp quá tải hoặc bị tấn công mạng.
Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS là hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi, quan trọng nhất của Tổng cục Hải quan. Hệ thống này do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, triển khai từ tháng 4/2014.
Năm 2020, Tổng cục Hải quan cho biết đang xây dựng Đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống công nghệ thông tin ngành. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng, khắc phục các hạn chế.
Trong một báo cáo khác vào năm 2022, cơ quan hải quan cho biết từ 2014 đến thời điểm đó, họ đã phải xây dựng và duy trì thêm khoảng 20 hệ thống vệ tinh hoạt động song song. Tuy nhiên, do không được thiết kế đồng bộ, hệ thống của ngành có tính liên kết yếu, khó tích hợp chức năng, cung cấp dữ liệu.
Chưa kể, vào cao điểm, hệ thống thường xảy ra tắc nghẽn cục bộ, quá tải không xử lý được dữ liệu, khiến kéo dài thời gian thông quan. Các chức năng hỗ trợ khai thác, quản lý hải quan cũng được đánh giá không đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hiện nay. Trong khi đó, các thiết bị phần cứng đã lỗi thời, không còn loại tương tự để thay thế. Họ cũng không có hệ thống dự phòng, nên có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.