Hé lộ doanh nghiệp đứng sau đội xe đạp được Thủ tướng Việt Nam và Hà Lan sử dụng
Sáng 2/11, người dân Hà Nội bắt gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đạp xe dạo quanh các con phố thuộc quận Ba Đình như Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Tôn Thất Đàm.
Theo báo Chính Phủ, trong chuyến đi dạo, hai vị Thủ tướng đã trò chuyện về các công trình văn hóa-lịch sử trong khu vực như Hoàng thành Thăng Long, cột cờ Hà Nội, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…
Hà Lan được mệnh danh là quốc gia đạp xe số 1 thế giới. Đây là nơi có cơ sở hạ tầng đi xe đạp tốt nhất trên thế giới. Đất nước có 17 triệu dân thì 16 triệu người thường xuyên đi xe đạp.
Trẻ em Hà Lan đi xe đạp từ khi còn bé và khi trưởng thành vẫn tiếp tục gắn bó với xe đạp. Theo Fietsersbond, có 22,3 triệu xe đạp ở Hà Lan, mỗi người sở hữu nhiều hơn một chiếc xe đạp. Đi xe đạp ở Hà Lan là an toàn nhất trên thế giới, nhờ vào mạng lưới đường rộng khắp và lối xe đạp được tách khỏi các tuyến đường.
Tại Việt Nam, xe đạp cũng là phương tiện phổ biến và những chiếc xe đạp công cộng màu xanh nước biển đặc trưng cũng đang hiện diện nhiều hơn tại các con con phố - đây là phương tiện mà hai vị Thủ tướng sử dụng để dạo phố.
Dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí bắt đầu được triển khai tại Hà Nội từ giữa tháng 8. Đây là mô hình được triển khai trên cơ sở Đề án xe đạp công cộng của Hà Nội. Đề án có tổng mức đầu tư là hơn 130 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Việc hoàn vốn dự án sẽ thông qua thu phí cho thuê xe.
Doanh nghiệp được phê duyệt triển khai thí điểm đề án là Tập đoàn Trí Nam. Dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí của Tập đoàn Trí Nam được đặt tên là TNGo. Ở thời điểm ra mắt dịch vụ, TNGo có gần 79 điểm trạm tại với hơn 1.000 xe được bố trí trên khắp các quận nội thành Hà Nội.
Mức giá cho thuê xe là 5.000 đồng/30 phút cho xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút cho xe đạp điện. CTCP vận tải số Trí Nam, một thành viên của Tập đoàn Trí Nam là đơn vị quản lý vận hành dịch vụ TNGo.
Hà Nội là điểm đến lớn tiêp theo của Tập đoàn Trí Nam sau khi dịch vụ xe đạp công cộng được triển khai ở các địa phương khác như TP HCM (500 xe), Vũng Tàu (100 xe), Quy Nhơn, Đà Nẵng (300 xe) và Hải Phòng (500 xe). Những chiếc xe đạp dịch vụ này cũng được trang bị tính năng trợ lực.
Tập đoàn đứng sau hệ thống ETC tại các trạm thu phí
Tập đoàn Trí Nam thành lập vào năm 2009 với mảng kinh doanh ban đầu là phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống và giải pháp phần mềm nhúng, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nghiệp vụ công nghệ thông tin cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Năm 2018, vốn điều lệ công ty là 18 tỷ đồng với ba cổ đông sáng lập gồm: Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Mạnh Trường - Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quang Thắng - Phó Tổng giám đốc. Mỗi người góp 6 tỷ đồng, tương ứng hơn 33% cổ phần.
Đến tháng 3/2019, Trí Nam tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng và tháng 2/2020, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng.
Trí Nam hợp tác với viện Công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa Hà Nội trong thời gian đầu thành lập và công ty nhanh chóng vươn lên chỉ sau hai năm, khi trở thành đối tác triển khai các cổng thông tin và dịch vụ công cho rất nhiều cơ quan nhà nước.
Hàng chục bộ, cơ quan ngang bộ là đối tác của tập đoàn.
Giai đoạn năm 2011 - 2014, Trí Nam đã tiếp tục triển khai mảng giải pháp giao thông thông minh và đào tạo trực tuyến. Tập đoàn Trí Nam chính là đơn vị tư vấn hệ thống giám sát An toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh trên QL5, QL70.
Công ty này cũng triển khai lắp đặt các phân hệ cho dự án Long Thanh Dầu Giây CCTV, VDS, WIM, WOS, hệ thống bộ đàm, hệ thống tổng đài nội bộ, hệ thống truyền dẫn...
Trí Nam đã triển khai hệ thống giám sát thu phí quy mô toàn quốc, tại các công trình nổi bật như: ETC Pháp Vân - Cầu Giẽ, ETC Hà Nội - Hải Phòng, Trạm Băng Dương tại QL14, BOT Đèo Cả Khánh Hòa tại QL1, Trạm Cái Chanh và trạm ĐăkSong tại QL14, Trạm thu phí Bàn Thạch, Trạm Mỹ Lộc, Trạm Tân Đệ,...
Về công ty Vận tải số Trí Nam, doanh nghiệp này thành lập tháng 3/2021. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Toàn. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.
Khi mới thành lập, vốn điều lệ của Vận tải số Trí Nam là 100 tỷ đồng, trong đó, CTCP Tập đoàn Trí Nam góp 97 tỷ, chiếm 97% vốn; ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch góp 2 tỷ đồng, chiếm 2% vốn và ông Nguyễn Văn Toàn góp 1 tỷ đồng, chiếm 1% vốn điều lệ.
Đến tháng 7/2021, công ty hạ vốn điều lệ xuống 12 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu khi đó gồm Tập đoàn Trí Nam chiếm 60%, ông Đỗ Bá Quân chiếm 11,5% và ông Nguyễn Văn Toàn chiếm 3% cổ phần.
Năm nay, sau hai lần điều chỉnh, Vận tải số Trí Nam đã tăng vốn lên 23 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.