|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sức hút từ thị trường bán lẻ xe đạp khiến Thế Giới Di Động lẫn FPTShop đều phải lao vào cuộc chơi

10:20 | 29/03/2023
Chia sẻ
Khi các thị trường khác, đặc biệt là đồ công nghệ lao dốc do người mua thay đổi thói quen, tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp lớn bắt đầu chú ý hơn tới thị trường xe đạp như là nơi có thể giúp họ mở rộng nguồn thu.

Xe đạp từng là một trong những phương tiện được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, văn hóa đạp xe càng được lan toả một cách rộng rãi hơn khi mọi người chuyển từ đi xe máy sang xe đạp, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để góp phần bảo vệ môi trường.

Phong trào đạp xe bùng nổ cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm và sử dụng xe đạp của người tiêu dùng. Theo báo cáo của Metric.vn, chỉ tính riêng phân khúc xe đạp dành cho trẻ em trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada cũng chứng kiến tổng doanh số bán hàng đạt mức 39 tỷ đồng trong năm ngoái, tăng 11,3% so với năm 2021. Điều này chỉ ra rằng thị trường xe đạp nói chung có sức hút, và còn dư địa tăng trưởng.

Thị trường trị giá hàng trăm triệu USD

Theo báo cáo của Statista, doanh thu từ mảng xe đạp tại Việt Nam dự kiến cán mốc 295,8 triệu USD vào năm 2023. Doanh thu dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023 – 2027 là 5,88%, dẫn đến việc thị trường xe đạp Việt Nam có thể ghi nhận doanh thu đạt mức 371,8 triệu USD vào năm 2027.

Trong khi đó, xét về doanh số, Statista dự đoán doanh số bán xe đạp tại Việt Nam vào năm 2027 sẽ đạt mức 2,49 triệu chiếc. Ngoài ra, doanh số bán xe đạp hàng năm tại Việt Nam, theo dự đoán của Statista, luôn duy trì ở mức trên 2 triệu chiếc mỗi năm và tăng trưởng đều qua từng năm trong giai đoạn 2023 – 2027.

Doanh số bán xe đạp trên thị trường Việt Nam giai đoạn 2015 - 2027 (dự kiến, đơn vị: Triệu chiếc). (Nguồn: Statista).

Tương tự, ông Peter Nguyễn, Tổng giám đốc Blue Circle (Vòng Xanh JSC), chia sẻ rằng thị trường xe đạp đang tăng trưởng ở mức 15% mỗi năm với khoảng 2,5 triệu chiếc xe đạp được bán ra thị trường mỗi năm, tương đương tổng doanh thu khoảng 7.500 tỷ đồng (320 triệu US).

Trong đó, xe đạp dành cho trẻ em chiếm ưu thế về doanh số trên thị trường trong vài năm qua khi các bậc phụ huynh tại Việt Nam sẵn sàng mua tới ba chiếc xe đạp khác nhau cho một đứa trẻ để chúng đi học cho tới khi 15 tuổi.

Ông Peter Nguyễn cho rằng có ba yếu tố thúc đẩy thị trường xe đạp Việt Nam, bao gồm tầng lớp trung lưu gia tăng, các tuyến đường có thêm những làn đường dành cho xe đạp và việc mở rộng hệ thống giao thông công cộng, một xu hướng khiến các xe máy chuyển dịch ra khỏi các thành phố lớn.

Ngoài ra, thị trường xe đạp có khả năng sinh lời nhưng lại phân mảnh. Các doanh nghiệp lớn chỉ nắm giữ khoảng 10% thị phần, trong khi các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn chiếm khoảng 90% thị phầm, qua đó mở ra cơ hội cho các đơn vị mới gia nhập thị trường.

Các doanh nghiệp lớn gia nhập cuộc chơi

Không thể phủ nhận thị trường xe đạp là “một miếng bánh hấp dẫn”, nhưng thị trường này chỉ thực sự được chú ý nhiều hơn khi có sự tham gia của các ông lớn tại Việt Nam.

Chẳng hạn, cuối năm 2021, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đã hé lộ thông tin về việc ra mắt 5 chuỗi cửa hàng mới, trong đó có một cửa hàng mang tên AvaCycle, một đơn vị chuyên bán xe đạp. Thời điểm mới ra mắt, dù không bố doanh thu cụ thể, song CEO Đoàn Văn Hiểu Em từng tiết lộ rằng mỗi cửa hàng của chuỗi AvaCycle đạt doanh số trên 50 chiếc mỗi ngày chỉ sau vài ngày ra mắt.

AvaCycle từng là một trong 5 chuỗi mới của TGDĐ được ra mắt đầu năm 2022. (Nguồn: TGDĐ).

Kế đó, đến đầu năm 2023, CTCP Vòng Xanh - đơn vị sở hữu hai chuỗi xedap.vn và xedien.vn, một lần nữa khiến nhiều người phải chú tới thị trường xe đạp Việt Nam ý khi hoàn thành thương vụ hợp tác đầu tư với Excelsior Capital Asia vào tháng 12/2022. Excelsior sẽ trở thành đối tác vốn và hỗ trợ chiến lược cho Vòng Xanh.

Khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho mục đích mở rộng chuỗi bán lẻ, xây dựng danh mục xe đạp và phụ kiện phục vụ cho nhu cầu “di chuyển xanh” ngày càng tăng và đa dạng của người dân, đồng thời phát triển các nền tảng công nghệ kết nối các hoạt động thể thao xoay quanh xe đạp và xây dựng cộng đồng thể thao trên toàn quốc.

Cửa hàng xedap.vn tại Hà Nội. (Ảnh: Vòng Xanh). 

Mới nhất, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Trong đó, FPT Retail cho biết năm 2023 sẽ tập trung từng bước cái thiện lãi gộp bằng cách mở bán mô tô, xe máy, xe đạp và phụ tùng, đồ dùng cá nhân và gia đình,... tại các cửa hàng FPTShop để tận dụng mặt bằng.

Có thể thấy, trong khi các thị trường như đồ công nghệ đang ngày càng bị thu hẹp bởi việc người dùng thay đổi xu hướng chi tiêu, hướng đến thói quen tiết kiệm nhiều hơn, các doanh nghiệp lớn đang tìm cách để mở rộng nguồn thu. Trong bối cảnh đó, xe đạp đang dần trở thành một thị trường được các doanh nghiệp Việt chú ý nhiều hơn.

Hưởng lợi từ việc bán phụ kiện đi kèm

Xe đạp thu hút sự quan tâm của khách hàng nhờ các kiểu dáng, kích thước và giá cả khác nhau. Thị trường xe đạp Việt ghi nhận các sản phẩm có mức giá đa dạng, từ mức vài trăm nghìn đồng cho tới nhưng sản phẩm có giá đắt ngang SH 350i.

Chẳng hạn, khi truy cập vào một trang web chuyên về xe đạp có tên Somings, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy những mẫu xe có giá lên tới hàng chục triệu đồng, ví dụ như chiếc Xe đạp đua RIKULAU ILI ILI, đang được thương hiệu này rao bán với giá 69 triệu đồng.

Các phụ kiện đi kèm xe đạp cũng có giá không hề rẻ. (Ảnh: Giant International).

Bên cạnh giá xe đạp, giá cho các sản phẩm phụ kiện đi kèm khi đạp xe cũng không hề rẻ. Theo Zing News, khi đạp xe, đặc biệt là với những người theo đuổi phong cách chuyên nghiệp hoặc các vận động viên thể thao, họ thường phải mua kèm các phụ kiện như mũ bảo hiểm, thiết bị hỗ trợ đạp xe trong nhà, đồng hồ GPS, găng tay, kính, quần áo,… có tổng giá trị lên tới hàng chục triệu đồng.

Vì vậy, các đơn vị bán hàng có thể được hưởng lợi từ việc bán các sản phẩm phụ kiện đi kèm xe đẹp, qua đó mở rộng doanh thu.

Anh Nguyễn