Đẩy mạnh hệ thống xe buýt điện, thuê xe đạp giá rẻ để hạn chế ô nhiễm môi trường tại Hà Nội
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giao thông vận tải (GTVT) là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ ba sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà khí thải vào bầu khí quyển hàng năm.
Năm 2014, kết quả kiểm kê khí nhà kính chỉ ra lượng khí CO2 do GTVT phát thải ở mức hơn 33.000 nghìn tấn. Dù vậy, con số này được dự báo tăng xấp xỉ 2 – 2,5 lần trong các năm 2025 và 2030. Cụ thể, năm 2020 dự báo lượng khí CO2 phát thải trong ngành GTVT là là 47.680 nghìn tấn; năm 2025 là 65.138 nghìn tấn và năm 2030 là 89.119 nghìn tấn.
Dự báo ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải năm 2020 và 85% lượng khí nhà kính phát thải năm 2030. Đứng sau là vận tải đường thủy nội địa, chiếm 8% và không thay đổi trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2030. Ngành hàng không chiếm 6% năm 2020 và 5% năm 2030. Trong khi đó, vận tải đường biến chiếm 2%. Đứng ít nhất là ngành vận tải đường sắt.
Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất bụi như CO, hơi xăng dầu, bụi chì,…gây ô nhiễm không khí. Tính trong quý II/2016, các thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng,… có nồng độ bụi trong không khí cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 đến 5 lần. Ngoài ra, nồng độ khí CO, NO2 trung bình ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 1,5 lần.
Trước thực trạng trên, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách, chủ trương đã được triển khai như: Công tác kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu LPG, CNG; triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thu đổi xe cũ nát tại TP.HCM và Hà Nội…
Năm 2021, TP Hà Nội sẽ đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy. Cùng với đó, UBND thành phố cũng đặt mục tiêu đưa xe buýt điện vào sử dụng trong giai đoạn 2021 – 2025. Đây được xem là động thái thể hiện sự nỗ lực của chính quyền nhằm xây dựng hệ thống giao thông xanh.
Dù vậy, bước quan trọng nhất là phải tiến tới hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô tô cá nhân, coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến vận tải công cộng.
Một trong những kế hoạch nhằm phát triển giao thông xanh tại Hà Nội là sớm hình thành hệ thống cho thuê xe đạp giá rẻ, phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, tăng cường kết nối các khu đô thị với hệ thống vận tải công cộng.
Xe đạp là loại phương tiện nhỏ, chiếm ít diện tích lưu thông cũng như dừng đỗ, phù hợp với hiện trạng giao thông còn nhiều đường phố nhỏ, ngõ nhỏ như Hà Nội. Ở khu vực nào cũng có thể thiết lập các trạm xe đạp công cộng, nhất là tại những nhà ga tàu điện, bến xe buýt, khu trung tâm sầm uất, nơi gần đường giao thông chính.