|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hé lộ danh sách các doanh nghiệp nhà nước có nợ khó đòi, hệ số đòn bẩy lớn

06:30 | 23/05/2017
Chia sẻ
Petrolimex có nợ quá hạn là 889,65 tỷ đồng, Becamex 813,17 tỷ đồng. Về nợ khó đòi phát sinh lớn, VRG có số nợ 2.077 tỷ đồng, chiếm 49% nợ phải thu; VNPT 1.455tỷ đồng, chiếm 19,5%.
he lo danh sach cac doanh nghiep nha nuoc co no kho doi he so don bay lon
Ảnh minh họa

Theo Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2016, nhiều doanh nghiệp quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ quá hạn.

Trong đó, Petrolimex có nợ quá hạn là 889,65 tỷ đồng, Becamex 813,17 tỷ đồng, TCT Xây dựng Hà Nội 245,97 tỷ đồng; Satra 265,14 tỷ đồng; công ty mẹ UDIC 215,66 tỷ đồng; TCT 319 - BQP 160,81 tỷ đồng; Licogi 105 tỷ đồng; Công ty mẹ TCT Cấp nước Sài Gòn 74,03 tỷ đồng.

Về nợ khó đòi phát sinh lớn, VRG có số nợ 2.077,37 tỷ đồng, chiếm 49% nợ phải thu; VNPT 1.455,31 tỷ đồng, chiếm 19,5%; TCT Địa ốc Sài Gòn 233,23 tỷ đồng; Samco 114,69 tỷ đồng; Vicem 97,57 tỷ đồng; Petrolimex 37,13 tỷ đồng.

Riêng Vietnam Airlines có một số đơn vị trực thuộc phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi như Công ty mẹ 36,81 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam 29,09 tỷ đồng; CTCP Hàng không Jestar Pacific Airlines 7,05 tỷ đồng; CTCP Cung ứng Xuất nhập khẩu lao động hàng không 6,32 tỷ đồng.

Về tạm ứng nội bộ tồn đọng nhiều năm chưa thu hồi được, TCT 319 - BQP (Công ty TNHH MTV 319.1 là 13,24 tỷ đồng); Handico (Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Phát triển Đô thị Hà Nội 31,40 tỷ đồng).

Về cho vay, bảo lãnh, hỗ trợ vốn trong nội bộ tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn, VRG (Công ty mẹ 102,02 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng 180,60 tỷ đồng); Petrolimex (Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco 18,36 tỷ đồng).

Về quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, để ứ đọng không còn nhu cầu sử dụng, VNPT (Công ty Dịch vụ vật tư và Trung tâm điều hành thông tin quản lý thuộc VNPT Hà Nội 137,74 tỷ đồng; VNPT Cà Mau 12,63 tỷ đồng); Vicem (Vicem Hoàng Thạch 101,41 tỷ đồng); VRG (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long 1,52 tỷ đồng).

Cũng theo kiểm toán nhà nước, tình trạng doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao còn nhiều. Cụ thể, Vicem (Vicem Tam Điệp 57 lần); TCT 319 - BQP (Công ty TNHH MTV 319.5 là 38,54 lần; Công ty TNHH MTV 319.2 là 26,27 lần...); TCT Xăng dầu Quân đội - BQP 17,13 lần; VNA (Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam 6,83 lần; Công ty mẹ 5,75 lần...); Becamex (CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương 5,15 lần).

Tình trạng kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính chưa được khắc phục. Một số đơn vị chưa được góp đủ vốn điều lệ như VNPT (TCT Dịch vụ Viễn thông - VNPT Vinaphone thiếu 2.473 tỷ đồng; TCT Truyền thông thiếu 1.594 tỷ đồng; CTCP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông thiếu 187,5 tỷ đồng); TCT Cấp nước Sài Gòn (Công ty mẹ thiếu 256,98 tỷ đồng); TCT 319-BQP (Công ty TNHH MTV 319.3 thiếu 130 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại 319 thiếu 41,30 tỷ đồng); TCT Xăng dầu Quân đội - BQP thiếu 91,16 tỷ đồng.

Trong khi đó một số đơn vị lại có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý như Vicem (Công ty mẹ 829,5 tỷ đồng); TCT Xăng dầu Quân đội - BQP (Công ty TNHH MTV 165).

Khánh Linh