Hành trình từ một cửa hàng ở Canada tới hơn 460 cửa hàng trên toàn cầu của thương hiệu Lululemon
Trong những năm gần đây, chất marketing và chiến lược trong các tuyên ngôn về sứ mệnh và tầm nhìn đã dần ngang bằng với mục tiêu thúc đẩy tinh thần nhân viên. Một ví dụ tuyệt vời là Lululemon - chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm thời trang theo lối sống yoga.
Ra đời năm 1998 với một cửa hàng duy nhất ở thành phố Vancouver, British Columbia, Canada, đến nay đã có hơn 460 cửa hàng Lululemon ở khắp nơi trên thế giới. Lululemon là nhãn hiệu ra đời gần đây nhất trong một chuỗi dài các nhãn hiệu liên quan đến thể thao và sức khỏe, bắt đầu từ thập niên 60 với giày đế sắt răng cưa kiểu bánh quế của Nike.
Lần đầu tiên truy cập trang web của Lululemon, nhiều khách hàng có thể cảm thấy ấn tượng ngay với câu chào mời của họ rằng một ưu thế của việc mua sắm trực tuyến là người tiêu dùng có thể mua sắm mà không cần phải mặc quần áo.
Tuyên bố chiến lược phát triển của Lululemon là: “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là khai trương và duy trì một cửa hàng duy nhất, nhưng không lâu sau đó chúng tôi nhận ra rằng để có thể đem lại một cuộc sống thỏa mãn về mặt phát triển cá nhân, gia đình, thu nhập và tiền nong để mua nhà trả góp cho đội ngũ nhân viên tuyệt vời của chúng tôi. Chúng tôi phải tạo nhiều cơ hội hơn cho họ. Đó thực sự là vấn đề một mất một còn - vì những cái đầu năng động cần thử thách”.
Theo nghĩa nào đó, đây là một phát biểu rất chân thực - Lululemon đang nói rằng kinh doanh là một thú vui kiếm ra tiền - khách hàng và sản phẩm chỉ là phương tiện để đạt điều đó.
Sứ mệnh của Lululemon là “cấu thành những yếu tố giúp con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và vui tươi hơn”. Và một trong những giá trị cốt lõi của Lululemon là “hài hước”.
Trang web còn đăng cả Tuyên ngôn Lululemon với những câu thuyết pháp nghe rất thú vị như “Bạn bè quan trọng hơn tiền bạc” và “Nhảy múa, ca hát, giữ vệ sinh răng và đi du lịch”. Đây không còn là một nhãn hiệu của một lối sống nữa mà đã trở thành một thương hiệu mang tính “giáo phái”.
Nhưng về bản chất, Lululemon đơn giản chỉ là một công ty giỏi marketing. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2009, Christine Day, tổng giám đốc của chuỗi, đã bật ra lời răn đầu tiên của marketing hiện đại khi bà mô tả bí quyết thành công của tập đoàn: “Sự chân thực là tất cả bí quyết thành công trong lĩnh vực này”.
Và có lẽ đó chính là thuộc tính quan trọng nhất cho bất kỳ ai muốn tìm chỗ đứng trong giới kinh doanh về lối sống, bên cạnh yếu tố khách hàng và trách nhiệm với môi trường.
Ở Lululemon, mọi người luôn đề cao sự chân thực; như giám đốc phụ trách cộng đồng của tập đoàn đã nhấn mạnh: “Công việc của bạn sẽ dễ dàng nếu bạn luôn chân thực với mọi người”. Sự chân thực rất quan trọng khi người mua trả 54 USD cho một cái quần tập yoga chuẩn của Lululemon. Nhiều người khẳng định không bậc thầy yoga Ấn Độ đích thực nào lại có thể đạt tới tuyệt đỉnh thiền định mà không phải mặc một cái quần như thế.
Lululemon đã thành công trong việc phủ lên những sản phẩm khá khiêm nhường của họ như áo tập thể dục, áo ngực thể thao, áo thể thao trùm đầu một lối sống bình lặng nhưng đầy sức sống.
Năm 2008, một năm không phải kỷ lục của ngành bán lẻ, doanh số của Lululemon đã tăng 30%, lên đến 350 triệu USD, lợi nhuận đồng thời tăng 10% và đạt mức 56 triệu USD. Đằng sau toàn bộ sự chân thực này là một bộ máy có cơ cấu tổ chức rất tốt.