Hành trình từ đỉnh cao ở châu Âu tới nguy cơ phá sản vì COVID-19 của hãng xe Renault
Ra đời vào năm 1899, ban đầu Renault có tên Societe Renault Freres. Nhóm sáng lập công ty là ba anh em Louis, Marcel và Fernand Renault.
Người anh cả Louis đảm nhận thiết kế và xây dựng sản phẩm, trong khi hai em của ông phụ trách công việc kinh doanh.
Renault bắt đầu sản xuất động cơ riêng vào năm 1903. Đến năm 1905, hãng nhận đơn hàng ô tô lớn đầu tiên khi công ty Societe des Automobiles de Place đặt mua xe Renault AG1 để lập đội xe taxi.
Hai năm sau đó, Renault trở thành hãng chế tạo ô tô taxi hàng đầu tại Pháp trước khi ba anh em đổi tên công ty thành Renault Automobile Company.
Khi Thế chiến I (1914-1918) bùng nổ, Renault chế tạo phương tiện quân sự phục vụ quân đội Pháp. Những dòng sản phẩm lừng danh của hãng hồi đó bao gồm xe tải, máy bay, đạn dược, xe tăng F-17. Chiến tranh kết thúc, ông Louis Renault nhận huân chương “Bắc đẩu bội tinh” của các nước Đồng minh.
Từ năm 1951 tới 1960, công ty tung mẫu xe Renault Dauphine ra thị trường, giúp Renault mở rộng thị trường tại châu Phi và Bắc Mỹ, nơi nó trở thành một trong những ô tô mà người tiêu dùng mua nhiều nhất. Các mẫu xe mới lần lượt ra đời, giúp nâng vị thế của Renault.
Năm 1994, Renault công bố kế hoạch bán cổ phiếu cho giới đầu tư. Đến năm 1996, hãng trở thành doanh nghiệp tư nhân hóa hoàn toàn. Năm 2015, Renault giành giải thưởng Ô tô châu Âu của năm.
Việc Renault tham gia một liên minh mà giới chuyên gia đánh giá là mẫu mực trong ngành ô tô đã tạo nên dấu ấn khó phai. Renault và hãng xe Nissan Motors (Nhật Bản) bắt đầu hợp tác từ năm 1999. Hồi tháng 10/2016, hai hãng chi tới 2,2 tỷ USD để mua lại 34% cổ phần của hãng Mitsubishi Motors (Nhật Bản).
Carlos Ghosn, một người Pháp gốc Lebanon, điều hành liên minh . Năm 2018, dưới sự điều hành của Ghosn, tổng doanh thu của liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi đạt hơn 243 tỷ USD.
Vị doanh nhân người Pháp là nhân vật quyền lực nhất nhì trong ngành ô tô Nhật Bản nhờ thành tích giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước cũng như hỗ trợ hãng chế tạo ô tô Mitsubishi chống chọi thời kì kinh doanh giảm sút sau khi hãng bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.
Thế nhưng từ một “người hùng”, ông Ghosn đã trở thành một kẻ phạm tội sau khi Tòa án Tokyo cáo buộc ông vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân. Cảnh sát bắt Ghosn vào ngày 19/11/2018.
Sau sự ra đi bất ngờ của ông Ghosn, liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi trải qua một thời kỳ đầy khó khăn và hoạt động kinh doanh chững lại ở các thị trường chủ chốt. Năm 2019, Renault lỗ lần đầu tiên trong 10 năm qua và tiếp tục lao đao do đại dịch COVID-19. Tình cảnh bi đát đến nỗi Standard & Poor’s hạ tín nhiệm của tập đoàn xuống mức “vô giá trị”.
Với 15% cổ phần thuộc sở hữu của chính phủ Pháp, Renault đang đàm phán gói cứu trợ 4-5 tỷ euro với chính phủ để giảm thiểu tác động từ tình trạng giảm doanh số bán và hoạt động sản xuất, đồng thời hủy kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2019 để nỗ lực vượt qua khủng hoảng COVID-19. Renault cũng bày tỏ nguyện vọng không muốn bị quốc hữu hóa.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo hãng ô tô danh tiếng có thể biến mất khỏi thị trường nếu không nhận sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Theo Bộ trưởng Le Maire, tương lai của Renault rất bấp bênh và có thể họ không thể trụ vững.
Renault đang chuẩn bị giảm mạnh danh mục sản phẩm, ngừng sản xuất các mẫu xe nổi tiếng nhưng có doanh số kém như minivan Espac nhằm giảm chi phí. Ban lãnh đạo tập đoàn muốn công bố sớm chi tiết kế hoạch cắt giảm chi phí 2 tỷ euro (2,16 tỷ USD) trong 3 năm tới. Doanh thu của Renault trong quý I/2020 giảm 19,2% xuống còn 10,3 tỷ euro (10,97 tỷ USD).