|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hàng tỷ USD vũ khí viện trợ cho Ukraine có nguy cơ bị bán ra chợ đen, rơi vào tay khủng bố

10:29 | 21/04/2022
Chia sẻ
Những lô viện trợ vũ khí khổng lồ đang hàng ngày đến Ukraine mang theo nhiều rủi ro trong dài hạn như có thể bị buôn bán ở chợ đen, rơi vào tay khủng bố hay trở thành mục tiêu dễ dàng của Nga.

Thị trường chợ đen

Theo Insider, hơn 20 quốc gia đã cam kết hoặc chuyển giao hàng tỷ USD khí tài quân sự cho Ukraine trong hai tháng qua. Số lượng viện trợ khổng lồ gây ra nguy cơ lớn khi vũ khí, đạn dược và nhiên liệu có thể không đến đúng người nhận hoặc không được sử dụng đúng mục đích. 

Việc đưa vũ khí tràn ngập vào đất nước mà Chỉ số tội phạm có tổ chức toàn cầu mô tả như “một trong những thị trường buôn bán vũ khí lớn nhất ở châu Âu” rất dễ dẫn tới thảm họa.

Kể cả trước khi Nga tấn công vào tháng 2/2022, Ukraine đã gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí. Nhiều người dân và binh sĩ Ukraine tham gia vào mạng lưới buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Một cuộc khảo sát vào năm 2017 cho thấy, trong số hơn 300.000 vũ khí nhỏ đã biến mất khỏi Ukraine từ năm 2013 đến năm 2015, chỉ có khoảng 13% từng được thu hồi.

Buôn lậu các loại vũ khí quân sự là một hoạt động kinh doanh có lãi ở Ukraine, và hàng nghìn quả lựu đạn, tên lửa và mìn đã được phổ biến từ các khu vực ở Donbass đến các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước. 

Những kẻ buôn bán vũ khí bị bắt giữ và vũ khí bị thu giữ ở Cherkasy, Ukraine. (Ảnh: Cục an ninh Ukraine).

Buôn lậu không chỉ giới hạn ở những tay trộm nhỏ. Vào năm 2019, hai binh sĩ Ukraine đã cố gắng bán 40 quả lựu đạn RGD-5, 15 tên lửa RPG-22 và 2.454 hộp đạn súng với giá chỉ 75.000 hryvnia (khoảng 2.900 USD).

Vào năm 2020, một tên lửa vác vai được tìm thấy trong thùng rác ở Zhytomyr. Cùng năm, tại Odessa, Cơ quan An ninh Ukraine phát hiện ra 18 quả lựu đạn RGD-5, 12 quả lựu đạn F-1 và 2 quả mìn chống tăng mà một quân nhân đã đánh cắp từ một căn cứ quân sự. 

Chỉ số tội phạm có tổ chức toàn cầu nhận thấy Ukraine trở thành một mắt xích quan trọng trong buôn bán vũ khí toàn cầu kể từ khi xung đột gia tăng ở miền đông trong những năm gần đây.

Thực tế đáng tiếc là chính phủ Ukraine, với quá nhiều viện trợ và chịu áp lực lớn phải triển khai càng nhanh càng tốt để chống lại quân đội Nga, khó có thể giữ cho vũ khí không bị chuyển hướng sang hoạt động buôn bán bất hợp pháp.

Cơn ác mộng của ngành hàng không

Ông Jordan Cohen, một nhà phân tích chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện CATO, cho biết mối nguy lớn nhất xung quanh việc vũ khí được chuyển vào Ukraine là những gì sẽ xảy ra với chúng khi chiến tranh kết thúc hoặc chuyển sang một dạng bế tắc kéo dài.

Phần lớn những gì Mỹ để lại nhằm giúp đỡ các lực lượng Afghanistan đã trở thành một phần trong kho vũ khí của Taliban sau sự sụp đổ của chính phủ và quân đội. Các vũ khí được bán cho Arab Saudi và UAE đã lọt vào tay các chiến binh có liên hệ với al-Qaeda và Iran.

Đặc biệt, trong gói hỗ trợ vũ khí dành cho Ukraine, hàng chục nghìn tên lửa Stinger đã và đang được các lực lượng vũ trang của Kiev sử dụng. Tuy nhiên, với lịch sử không mấy đáng tin trong việc kiểm soát vũ khí, rất có thể số tên lửa này sẽ rơi vào tay những kẻ khủng bố.

Tên lửa Stinger là hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) gọn nhẹ, dễ dàng mang vác, di chuyển và triển khai. Với tầm bắn trung bình vào khoảng từ 3 đến 5 km, những hệ thống tên lửa này có thể dễ dàng hạ gục các loại máy bay dân sự, đặc biệt tại một trong những tuyến hàng không nhộn nhịp nhất thế giới như Châu Âu.

Máy bay A300B4-203F của DHL ở Iraq đã bị MANPADS bắn trúng bình xăng bên trái, may mắn là máy bay vẫn có thể quay trở lại sân bay Baghdad và hạ cánh an toàn. (Ảnh: Aviation24).

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ năm 1975, 40 máy bay dân dụng đã bị tấn công bởi MANPADS, gây ra 28 vụ rơi và hơn 800 người chết trên khắp thế giới. 

Trong một thông điệp định sẵn cho tháng lễ Ramadan, tổ chức khủng bố IS tuyên bố sẽ lợi dụng sự phân tâm của Phương Tây với xung đột Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trong khi “quân thập tự chinh đang chiến đấu với nhau”.

Dòng người tị nạn khổng lồ từ Ukraine tràn vào Châu Âu, cùng hàng tá vũ khí trôi nổi trên thị trường chợ đen, đặc biệt là các loại MANPADS, sẽ là cơn ác mộng thực sự đối với bất cứ hãng hàng không nào.

Mối đe dọa từ Nga

Cho đến nay, có vẻ như Nga gặp nhiều khó khăn trong đánh chặn hoặc phá hủy các lô hàng viện trợ vũ khí. Một nguồn tin của CNN nói rằng có vẻ như Nga không tích cực tấn công các chuyến hàng vũ khí phương Tây vào Ukraine.

Nga đã nhiều lần tuyên bố các chuyến hàng viện trợ vũ khí một khi đã vào trong lãnh thổ Ukraine sẽ là mục tiêu hợp lệ. Tuy nhiên hiện nay dường như những lô hàng này vẫn liên tục đến Ukraine, mặc cho những lời cảnh báo của Moscow.

Có một số giả thuyết về lý do tại sao các chuyến hàng vẫn bị bỏ qua, bao gồm cả việc Nga không thể tìm thấy những xe hàng này bởi vũ khí và thiết bị được gửi trên các phương tiện không được đánh dấu vào ban đêm. 

Cũng có thể là Nga sắp hết vũ khí và không muốn lãng phí vào những chiếc xe tải ngẫu nhiên trừ khi chắc chắn rằng chúng là một phần của đoàn vận tải vũ khí.

Mặc dù thất bại trong việc làm gián đoạn các lô hàng tới Ukraine, lực lượng của Nga và hai nước Cộng hòa Luhansk và Donetsk đang tận dụng tốt những vũ khí Phương Tây thu nhặt được tại chiến trường Ukraine.

Sau khi Tổng thống Joe Biden vào ngày 17/3 công bố gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov sau đó gọi đây là "tin vui, điều tuyệt vời và đáng khích lệ từ Washington".

Một người lính ly khai Donetsk đang cầm tên lửa Javelin thu giữ được từ lực lượng Ukraine. (Ảnh: Kênh Telegram của Tổng thống Ramzan Kadyrov).

Trước đó vào ngày 14/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố những vũ khí và khí tài được phía Ukraine bỏ lại sẽ được quân đội Nga chuyển cho lực lượng quân đội của hai nước Cộng hòa Donetsk và Luhansk.

Lực lượng quân đội của Donetsk và Luhansk đã ghi nhận nhiều thành công trong việc sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ để tiêu diệt thiết giáp của Ukraine.

Chấp nhận rủi ro

Trong ngắn hạn, Mỹ cho rằng việc chuyển giao thiết bị và vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD đóng vai trò quyết định đối với khả năng Ukraine phòng thủ trước Nga.

Một quan chức quốc phòng cao cấp cho biết vào hôm 19/4: “[Viện trợ quân sự của Mỹ tới Ukraine] chắc chắn là sự hỗ trợ lớn nhất cho quốc gia đối tác đang xảy ra xung đột”.

Theo các quan chức và nhà phân tích quốc phòng, rủi ro dài hạn nằm ở việc những vũ khí trên có thể rơi vào tay những quân đội mà Mỹ không muốn hỗ trợ.

Quân nhân Ukraine chất tên lửa chống tăng Javelin lên xe tải. (Ảnh: CNN).

Theo một quan chức quốc phòng, khi đưa ra quyết định gửi hàng tỷ USD vũ khí và trang thiết bị tới Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden đã tính đến rủi ro về việc lô hàng có thể bị chuyển tới những nơi không mong muốn.

Tuy nhiên hiện giờ, chính quyền ông Biden nhìn nhận việc không thể trang bị đầy đủ vũ khí cho Ukraine như một rủi ro lớn hơn. Bởi quân đội Mỹ không ở trên chiến trường, Mỹ và NATO chủ yếu dựa vào thông tin tình báo của chính phủ Ukraine.

Các quan chức thừa nhận rằng Ukraine có động cơ chỉ cung cấp những thông tin giúp nhận được nhiều viện trợ, vũ khí hơn và hỗ trợ ngoại giao hơn.

“Đây là chiến tranh. Mọi việc Ukraine làm và phát biểu công khai đều nhằm mục đích dẫn đến thắng lợi. Mọi tuyên bố công khai, mọi cuộc phỏng vấn và kể cả sự xuất hiện của Tổng thống Zelensky trên truyền hình đều là một chiến dịch thông tin”, một nguồn tin của CNN cho hay.

Trong suốt nhiều tháng, các quan chức Mỹ và Châu Âu đã đưa ra những thông tin mà mình biết về tình trạng quân đội Nga tại Ukraine như: con số thương vong, sức chiến đấu còn lại, kho vũ khí, vị trí và các loại đạn được sử dụng.

Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận rằng Phương Tây, bao gồm cả Mỹ, có những lỗ hổng thông tin về lực lượng Ukraine.

Minh Quang