|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng trăm hộ trồng mía lao đao vì không được thanh toán tiền

20:54 | 19/10/2019
Chia sẻ
Hàng trăm hộ dân tại xã Công Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) phải còng lưng trả lãi khi hơn 2,9 tỷ đồng tiền mía nguyên liệu chưa được Công ty CP Mía đường Nông Cống thanh toán.

Người trồng mía còng lưng trả lãi

Niên vụ ép 2018-20219, ông Dương Thanh Nhẫn tại thôn Tân Tiến, xã Công Chính hợp đồng với Công ty CP Mía đường Nông Cống (Công ty mía đường) trồng 2 ha mía nguyên liệu.

Hàng trăm hộ trồng mía lao đao vì không được thanh toán tiền - Ảnh 1.

Công ty CP Mía đường Nông Cống từ chối thanh toán hơn 2,9 tỷ đồng cho người trồng mía.

Với sản lượng 70 tấn, lẽ ra Công ty mía đường phải thanh toán cho gia đình ông số tiền trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay ông Nhẫn vẫn chưa nhận được đồng nào.

“Thu hoạch mía kết thúc vào 4/4/2019, theo thỏa thuận, công ty sẽ thanh toán tiền mía sau 7 ngày. Công ty viện cớ tình hình sản xuất khó khăn, hứa sẽ trả trước 20/7 nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán.

Riêng 10 tấn phân bón và 1,5 tấn đạm tôi mua hết hơn 50 triệu đồng đến nay đã đáo hạn, phải chịu lãi suất hàng tháng nhưng vẫn chưa biết đào đâu ra tiền trả nợ. Năm nay mía mất mùa, giá lại thấp, nếu thu được tiền tôi vẫn còn lỗ 30 triệu đồng. Nay công ty không chịu trả tiền coi như tôi bể nợ” – ông Nhẫn bức xúc.

Ông Nguyễn Bá Hoàng, một chủ hợp đồng tổ chức sản xuất và thu mua nguyên liệu bán cho Công ty mía đường cho hay, niên vụ này, 48 hộ dân trong tổ sản xuất của ông trồng 63 ha mía, sản lượng bán cho nhà máy là 2.593 tấn.

Hiện nay, toàn bộ số tiền mía nguyên liệu trên 1,3 tỷ đồng công ty chưa thanh toán khiến các hộ dân ngày ngày đến đòi nợ ông. Không những thế, ông còn phải trả lãi suất quá hạn tiền mua phân bón trên 2,2 triệu đồng/tháng.

“Người dân ở đây chỉ trồng có mỗi cây mía nên thu hoạch xong ngày nào cũng mong ngóng công ty trả tiền để sinh sống và đầu tư sản xuất. Nhưng nay đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi kết thúc thu hoạch mà nhà máy vẫn không chịu trả tiền.

Hàng trăm hộ trồng mía lao đao vì không được thanh toán tiền - Ảnh 2.

Người trồng mía còng lưng trả lãi.

Nhà máy nợ hộ ít nhất cũng 13 triệu đồng, hộ nhiều nhất 90 triệu đồng. Người dân rất bức xúc, không biết kêu vào đâu nên đã nhiều lần kéo nhau lên công ty, gửi đơn lên UBND huyện yêu cầu can thiệp nhưng vẫn không được giải quyết.

Bản thân tôi, ký hợp đồng mua phân bón với số tiền 271 triệu đồng. Vì nợ đã quá hạn, chưa có thanh toán nên tôi phải đóng trên 2,2 triệu đồng tiền lãi suất/tháng” – ông Hoàng cho hay.

Ngoài ông Hoàng, tại xã Công Chính còn có 4 chủ hợp đồng với hàng trăm hộ dân có tổng diện tích mía niên vụ ép 2018-2019 là 167,6 ha. Hiện nay, toàn bộ các hộ trồng mía này vẫn chưa được thanh toán trên 2,9 tỷ đồng tiền bán mía nguyên liệu.

Không thể đổ hết lên đầu người dân

Ông Mai Xuân Nam, một trong 5 chủ hợp đồng tổ chức sản xuất và thu mua mía tại xã Công Chính cho biết, Công ty mía đường muốn dùng tiền mía để “gạt” khoản nợ trên 2,2 tỷ đồng trước đây nông trường Yên Mỹ (nay là Công ty TNHH 2TV ứng dụng CNCNN & Thực phẩm sữa Yên Mỹ) đã nợ công ty.

Theo ông Nam, tất cả các hộ dân bị khước từ thanh toán tiền mía niên vụ 2018-2019 đều là những hộ nhận đất giao khoán của Công ty TNHH 2TV ứng dụng CNCNN & Thực phẩm sữa Yên Mỹ (Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ). Chủ hợp đồng tổ chức sản xuất, thu mua mía bán cho Công ty mía đường đều là công nhân Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ. Họ được công ty này ủy quyền ký hợp đồng với Công ty Mía đường để tổ chức sản xuất.

Ông Nam cho rằng, Công ty mía đường không thể lấy tiền mía của người dân để gạt nợ cho Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ được. “Việc nợ nần này là câu chuyện của hai công ty, nông dân không nợ họ, không thể xử sự như vậy với người trồng mía được. Công ty mía đường phải trả tiền mía cho nông dân” – ông Nam khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cũng cho rằng, việc Công ty mía đường không thanh toán tiền mía cho người dân là không được: “Sau khi nghe thông tin trên, UBND huyện đã cùng hai công ty ngồi lại làm việc. UBND huyện có quan điểm, việc nợ nần của hai công ty từ lâu rồi, hai bên đã có phương án trả nợ, dân trồng mía không nợ công ty mía đường”.

Còn ông Trần Văn Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty mía đường cho rằng, việc công ty chưa thanh toán tiền mía cho nông dân là đúng theo cam kết giữa 2 công ty.

Theo đó, những năm 1999-2000, Nông trường Yên Mỹ có nợ Công ty mía đường trên 2,2 tỷ đồng tiền đầu tư trồng mía. Sau khi Nông trường Yên Mỹ được chuyển giao cho Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ thì số nợ này cũng được chuyển nguyên trạng.

Hàng trăm hộ trồng mía lao đao vì không được thanh toán tiền - Ảnh 3.

Nhiều hộ đã phá mía trồng cỏ.

Năm 2016, hai bên đã thống nhất khoanh nợ, không tính lãi suất và phía Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ sẽ hoàn trả số tiền này từ niên vụ 2018-2019 thông qua số tiền phí quản lý thu của các hộ dân trồng mía 3 triệu đồng/ha.

“Chúng tôi đồng ý khoanh nợ với điều kiện Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ phải nâng diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng nhưng đến nay vẫn không đáp ứng được điều kiện trên. 

3 năm qua, Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ đã thu của người trồng mía trên 1,7 tỷ đồng phí quản lý nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho công ty mía đường theo thỏa thuận. Đầu tháng 9/2019, hai bên đã ngồi lại nhưng không tìm được tiếng nói chung”.

Ông Khánh cũng cho rằng, thời điểm này người trồng mía đang rất khó khăn nhưng tình cảnh của công ty mía đường cũng không sáng sủa gì.

“Sản xuất mía đường thua lỗ, chúng tôi đã làm thủ tục vay ngân hàng trả nợ cho dân nhưng phía ngân hàng đang siết chặt cho vay. Nếu Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ trả tiền cho chúng tôi thì công ty mới thanh toán tiền cho nông dân được”, ông Khánh khẳng định.

Võ Văn Dũng