|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp hội Mía đường 'cầu cứu' hàng loạt Bộ, ngành

06:19 | 29/08/2019
Chia sẻ
Trước sức ép cạnh tranh không bình đẳng, nạn đường lậu và giá đường giảm xuống thấp trong bối cảnh ngành đường chuẩn bị đi vào hội nhập, Hiệp hội mía đường liên tiếp gửi công văn tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh để xin hoãn ATIGA.

"Cạnh tranh không bình đẳng"

Mới đây, Hiệp hội mía đường Việt Nam gửi công văn tới đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có nhà máy đường và nông dân trồng mía về việc xin hỗ trợ tháo gỡ khó khăn ngành mía đường.

Niên vụ mía đường 2018 - 2019 là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế, kết quả sản xuất của nhiều nhà máy đã giảm sút, thua lỗ.

Từ niên vụ 2015-2016 đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ nghiêm trọng, một số nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu. Hộ trồng mía khốn đốn, sản xuất mía thu nhập thấp, một số vùng thua lỗ, phải bỏ ruộng hoặc chuyển sang cây trồng khác, rủi ro lớn.

Diện tích mía nguyên liệu đã giảm từ 30 - 60% tổng diện tích. Thiếu mía nguyên liệu, các nhà máy duy trì sản xuất công suất mức thấp, một số nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.

dg5181017

Ảnh minh họa. (Nguồn: AgroMonitor)

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nguyên nhân của giai đoạn vô cùng khó khăn vừa qua là tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài của hệ thống buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại đường lậu.

Bên cạnh đó, gian lận thương mại quy mô quốc tế của Thái Lan, đối tác chính trong ngành đường ASEAN và Hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa được thực hiện đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020, để các bên liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa.

Điều này có nghĩa là sau ngày 1/1/2020 lượng đường không hạn chế với giá dự kiến 8.000 – 9.000 đồng/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

"Hệ quả là các doanh nghiệp đường trong nước, các hộ gia đình trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phá sản là điều không thể tránh khỏi", Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định.

Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam cho biết đã tìm hiểu và được thông báo rằng trong quá trình đàm phán gia nhập ASEAN trước đây, Việt Nam đã không đòi hỏi có những biện pháp bảo vệ người trồng mía và ngành đường khi hội nhập.

Trong khi đó, hai quốc gia trồng mía khác trong ASEAN 6 là Philippines và Indonesia đã thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015 nhưng vẫn bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo đảm lợi ích cho người nông dân trồng mía để bảo đảm thu nhập.

Bên cạnh đó, Philippines và Indonesia đã có Nghị định thư về xem xét đặc biệt đối với mặt hàng đường (năm 2010) bảo đảm cho hai nước nước này theo dõi và khống chế đường nhập khẩu từ Thái Lan ngay cả khi hai nước này đã tham gia ATIGA.

"Rất tiếc, Nghị định thư này đã không áp dụng cho Việt Nam khi tham gia ATIGA đã gây ra sự bất bình đẳng giữa nông dân trồng mía Việt Nam và nông dân các nước trồng mía khác trong khu vực", Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.

Ngày 24/5 Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã gửi công văn tới Thủ Tướng  về khó khăn của ngành mía đường Việt Nam, trong đó đã có đề xuất tạm hoãn thực thi cam kết ATIGA để có đủ thời gian đánh giá chính xác, toàn diện và chuẩn bị hội nhập.

Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi.

"Ngành đường và nông dân trồng mía chỉ còn trông chờ quyết sách của Quốc Hội và Chính phủ để tạo điều kiện cho ngành mía đường vượt qua tình cảnh nguy khốn này", Hiệp hội Mía đường cho biết.

Tiếp tục đề xuất hoãn ATIGA

Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đề xuất Đoàn đại biểu Quốc Hội các tỉnh có nhà máy đường và nông dân trồng mía kiến nghị Quốc Hội và Chính phủ xem xét hoãn thực hiện tự do hoá ngành đường theo quy định theo Điều 23 ATIGA.

Động thái này nhằm có thời gian đánh giá đầy đủ, toàn diện và xây dựng phương hướng đàm phán phù hợp, bảo đảm hài hoà lợi ích của quốc gia, ngành kinh tế và mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước đó, ngày 14/8 và 17/8 Hiệp hội mía đường cũng đã gửi công văn khẩn tới Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương với nội dung mong muốn tiếp tục tạm hoãn ATIGA.

Hiệp hội Mía đường đề xuất vận dụng Điều 23 ATIGA trong đó ghi rõ  "Trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài quy định trong Điều 86 (Tự vệ), Điều 10 (BOP), và Điều 24 (Xử lý Nghị định thư về Gạo và Đường) khi một Quốc gia Thành viên gặp phải những khó khăn không lường trước khi thực hiện các cam kết thuế, Quốc gia Thành viên đó có thể yêu cầu tạm thời sửa đổi hoặc ngừng cam kết trong lộ trình cam kết trong Điều 19 (Cắt giảm hoặc Loại bỏ Thuế quan)"

Đức Quỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.