Các quán mở ra, không có khách thì lại tự đóng. Nhiều chủ quán cho biết doanh thu giảm từ một nửa đến 90%, chưa bao giờ trải qua tình trạng ế ẩm như thế này.
Kể từ ngày phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội và phải cách li, cuộc sống của người dân tại đây cũng như những nơi lân cận gồm phố Ngũ Xã, phố Châu Long bị xáo trộn ít nhiều. Dù có sự thay đổi và những bất tiện nhất định, nhưng mỗi ngày các đơn vị chuyên môn đều cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, khiến cuộc sống nơi đây vẫn bình yên. Người dân cho rằng nhà nước đang làm rất tốt trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 và yên tâm dốc sức chống dịch.
Nhưng cùng với cuộc sống đang dần ổn định của những hộ gia đình tại đây, hàng quán xung quanh khu vực này phải chấp nhận buôn bán ế ẩm, ảnh hưởng nặng nề chuyện mưu sinh thường nhật.
Chợ Long Châu vốn là chợ khá lớn và kinh doanh tấp nập tại khu vực này, nhưng từ khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, là bệnh nhân số 17 ở Trúc Bạch, thì tình hình buôn bán của các tiểu thương trong chợ rơi ngay vào ế ẩm. Người tiêu dùng không ngại đi xa hơn để mua thực phẩm, vì được khuyến cáo không tập trung tại những nơi gần khu cách li.
Phố Châu Long vắng vẻ người qua lại, nhiều ki-ốt bán đồ tạp hóa đóng cửa.
Bác Dương, một người dân sống tại Ngũ Xã, nơi chỉ cách Trúc Bạch khoảng vài chục mét, cho biết: "Mấy hôm nay, cuộc sống yên bình, vắng vẻ hẳn, trừ những hộ bị cách li, sinh hoạt hơi bất tiện thì nói chung tôi thấy mọi người vẫn ổn. Cái bị ảnh hưởng nhất là kinh tế. Nhà hàng, quán ăn đóng cửa hết, có vài nhà còn mở cửa là do nhà người ta ở đó, mở ra chứ cũng chẳng có mấy khách. Các khách sạn xung quanh đây cũng không đón khách nữa".
Tại một nhà hàng trên phố Ngũ Xã cố mở cửa nhưng không có khách, khi các quán ăn, nhà hàng xung quanh đều đóng hết. Nhân viên của quán này cho biết quán cũng đã thông báo nhận đơn online nếu khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, do lo ngại đây là vùng dịch nên khách hàng cũng tránh đặt đơn.
Chợ cóc thường họp vào mỗi buổi sáng và đầu giờ chiều cũng không hoạt động, người dân muốn mua lương thực, thực phẩm phải tìm đến các khu chợ xa hơn.
Cách Trúc Bạch vài trăm mét, phố Phó Đức Chính nổi danh vì các quán bò nướng và lẩu ếch nay cũng trong cảnh đìu hiu.
Như mọi ngày vào cuối giờ chiều là thời gian mà các nhà hàng bắt đầu mở cửa để chuẩn bị thực phẩm, sắp xếp bàn ghế đón khách, thì hiện nay vào giờ này, các cửa hàng vẫn im ắng.
Một nhà hàng lẩu ếch khá nổi trên con phố này hiếm hoi vẫn còn mở cửa. Chị Hương, quản lí cửa hàng cho biết: "Vì phường đã khuyến cáo nên mấy ngày này cửa hàng không dám nhận khách, cho dù cũng có vài khách đến hỏi. Mở cửa chủ yếu là bán online, nhưng chỉ được khoảng chục đơn một ngày. Doanh thu giảm đến 80-90% so với ngày thường".
Theo chị Hương, các quán tự mở ra, xong không có khách thì lại tự đóng. Với mỗi quán ăn như thế này, chi phí mặt bằng và nhân công đã chiếm tới khoảng 30-40% doanh thu. Nên tạm thời, không bán hàng thì một số chủ cửa hàng phải cắt giảm bớt nhân công thời vụ để giảm chi phí.
Những quán bán đồ ăn sáng cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ từ khi có dịch. Nhiều quán chủ động đóng cửa cho đến khi tình hình khả quan hơn.
Anh Vượng, chủ quán phở gà trên đường Quán Thánh, chia sẻ: "Nếu như ngày thường nhà tôi bán được hơn 100 cân bánh phở mỗi ngày, thì giờ bán được 45, 50 cân là thấy may lắm rồi, mấy hôm đầu chỉ được 1/3. Từ khi dịch, nhiều người có tâm lí sợ ra đường, sợ phải tiếp xúc với nhiều người nên họ thường mua thực phẩm về tự nấu bữa sáng.
Hải Miên - Tường Vy
Link bài gốc
https://vietnammoi.vn/hang-quan-quanh-pho-truc-bach-sau-1-tuan-ha-noi-co-benh-nhan-nhiem-covid-19-mo-cua-ra-khong-co-khach-thi-dong-lai-chua-bao-gio-e-am-the-nay-20200311115851593.htm?fbclid=IwAR0FBhswKWOFaOuuvGbckeGLf0evBPH_ZRFNixSEjUCcvmTPW842xypMyy8