|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng nghìn tỷ đồng rót vào năng lượng tái tạo ở Bình Định

07:30 | 28/09/2018
Chia sẻ
Theo ghi nhận của người viết, trong khoảng hai năm trở lại đây, bên cạnh hàng chục nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội,  Bình Định đón nhận khoảng 4 dự án năng lượng mặt trời và gió. Tổng vốn đầu tư ước tính 135 triệu USD và 2.280 tỷ đồng.
 

Nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản rót vốn nhiều nhất

Mới đây nhất vào tháng 9, CTCP Fujiwara (Nhật Bản) được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp Giấy điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư lần thứ đối với Dự án Nhà máy Điện mặt trời Fujiwara Bình Định diện tích khoảng 60 ha. Đây là khu vực quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tại sườn núi phía Tây núi Phương Mai, khu kinh tế Nhơn Hội.

Dự án có tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, công suất 50 MW, tiến độ xây dựng và hoàn thành đi vào hoạt động trong tháng 6/2019.

Dự kiến, nhà đầu tư sẽ tập kết máy móc, thiết bị tại công trường trong tháng 10, và hoàn thành dự án trước kế hoạch vào tháng 4 năm sau. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là Dự án năng lượng tái tạo đầu tiên trên địa bàn khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung phát điện thương mại.

Tháng 5, Nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH Năng lượng Seoul đã hoàn chỉnh Hồ sơ đăng ký đầu tư dự án điện gió kết hợp điện mặt trời tại khu vực sườn núi phía Tây núi Phương Mai, KKT Nhơn Hội với diện tích 424 ha. Dự án đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu với tổng vốn đăng ký 75 triệu USD, công suất 60 MW (20 MW điện gió và 40 MW điện mặt trời), đến quý IV/2019 đi vào hoạt động.

Tỉnh cho hay, đây là Dự án thuộc lĩnh vực năng lượng sạch, có tác dụng lan tỏa trong việc thu hút các nhà đầu tư đến từ xứ sở Kim Chi đến với KKT Nhơn Hội nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Giữa tháng 6 năm nay, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương CTCP Năng lượng Tái tạo Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy điện Mặt trời đầm Trà Ổ, tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (Phù Mỹ).

Theo hồ sơ đăng ký, Nhà máy được xây dựng trên diện tích 60 ha mặt nước và 0,6 ha mặt đất, với công suất thiết kế là 50 Mwp, tổng vốn đầu tư 1.440 tỉ đồng. Dự kiến đến quý II/2019, nhà máy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động.

Cuối 2017, UBND tỉnh chấp thuận cho (Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Liên doanh Univergry (Liên doanh giữa Tây Ban Nha và Nhật Bản) thành lập công ty con là Công ty Cổ phần Năng lượng và Công nghệ cao TTP Bình Định để đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát.

hang nghin ty dong rot dau tu nang luong tai tao o binh dinh
Phối cảnh dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp. (Nguồn: Trang tin xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định)

Dự án có tổng diện tích 82,95 ha, quy mô công suất thiết kế nhà máy là 49,41 MWp, với tổng vốn đầu tư 1.139,6 tỷ đồng. Dự kiến đến quý II/2019 nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Hồi giữa năm 2017, ba nhà đầu tư gồm CTCP Đầu tư Công nghiệp Xây dựng Hà Nội, Công ty Đầu tư Quang điện Giang Nam và Công ty Thiết bị hóa chất Nakagawa đã tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án điện mặt trời trên mặt hồ chứa nước tại Bình Định.

Theo đề xuất, nếu chọn được các vị trí đầu tư phù hợp, liên doanh các nhà đầu tư sẽ lập dự án đầu tư với công suất từ 1.000 - 2.000 MW.

Khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng cho biết, tỉnh Bình Định đã có trên 20 nhà đầu tư đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha… đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió.

Đối với đề xuất của nhà đầu tư, ông Phan Cao Thắng cho biết, toàn tỉnh hiện có 164 hồ chứa nước lớn, nhỏ với diện tích mặt nước 5.500 ha; 3 đầm, phá lớn ven biển với diện tích trên 8.000 ha, rất có tiềm năng để phát triển các dự án điện tái tạo.

hang nghin ty dong rot dau tu nang luong tai tao o binh dinh
(Nguồn: nangluongvietnam)

Được thiên nhiên ưu đãi các điệu kiện phát triển năng lượng tái tạo

Được biết, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2015 của Bình Định đạt 7,1%/năm; sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 909 kWh, gấp 1,37 lần so với năm 2010. Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035, dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2016 - 2020 là 14,2%; đến 2035 đạt khoảng 5,9%.

hang nghin ty dong rot dau tu nang luong tai tao o binh dinh
(Nguồn số liệu: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035)

Tổng nhu cầu quỹ đất dành xây dựng các công trình lưới điện của tỉnh đến năm 2025 cho lưới trung áp và hạ áp là khoảng 8,66 triệu m2. Tổng vốn đầu tư để cải tạo và phát triển lưới điện giai đoạn 2016 - 2025 là gần 4.700 tỷ đồng.

Các nhà máy cấp điện cho tỉnh hiện gồm Nhà máy thủy điện An Khê và 6 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (Nhà máy Vĩnh Sơn, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom, Định Bình, Tiên Thuận, Văn Phong).

Tại Bình Định, việc phát triển thủy điện đã bão hòa, chỉ còn 11 thủy điện nhỏ với công suất 366 MW do Bộ Công Thương phê duyệt trước đây.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Bình Định ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối. Tiềm năng địa nhiệt phục vụ phát điện còn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được khảo sát, đánh giá.

Mặc dù vây, điện mặt trời có tiềm năng rất tốt, tương đương với một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Cường độ bức xạ mặt trời ước tính 5,24 kWh/m2/ngày, cao hơn mức trung bình 3 - 5 kWh/m2/ngày của cả nước. Số giờ nắng bình quân gần 7 giờ/ngày.

Ngoài điều kiện khí hậu thuận lợi, các khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đề xuất dự án điện mặt trời như Khu kinh tế Nhơn Hội, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh còn có thế mạnh là nằm ở vùng ít có người dân sinh sống, việc giải phóng mặt bằng không gặp nhiều trở ngại.

Về điện gió, tuy không bằng một số tỉnh phía Bắc nhưng tiềm năng của Bình Định tốt hơn các tỉnh phía Nam. Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Mỹ An (Phù Mỹ) có tốc độ gió trên 6 m/giây; tuy nhiên chỉ cần tốc độ gió 5 m/giây trở lên, tua bin đã có thể phát điện. Ước tính với diện tích phát triển điện gió trên 300 ha (chủ yếu trên đất liền), có thể tạo ra khoảng 600 MW điện.

Xem thêm

Phương Nam