|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng nghìn doanh nghiệp Đà Nẵng tạm dừng hoạt động, chờ đợi để biết kinh doanh tiếp hay giải thể

10:05 | 25/01/2021
Chia sẻ
Theo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, năm 2020, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao do nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường.

Báo cáo của Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố có 4.274 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn đăng ký đạt 22.190 tỷ đồng, giảm 26,4% về số doanh nghiệp và giảm 19,6 % về vốn so với cùng kỳ năm 2019.

Về lĩnh vực hoạt động, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 12 tháng năm 2020 so với cùng kỳ hầu hết các lĩnh vực đều giảm, đặc biệt giảm mạnh trong lĩnh vực: Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết (45%); kinh doanh bất động sản (45,8%); hoạt động dịch vụ khác (45,9%) và chỉ tăng ở hai lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, nước gas (352%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (19%).

Doanh nghiệp Đà Nẵng đang tạm dừng hoạt động, nghe ngóng thị trường để biết kinh doanh tiếp hay giải thể - Ảnh 1.

Một khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng tạm ngừng hoat động trong tháng 1/2021. (Ảnh: Chu Lai).

Trong năm 2020, có 2.118 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2017. Sở KH&ĐT thành phố hoàn tất thủ tục giải thể là 1.286 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 59,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 31.956 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 215.969 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, do tác động của dịch bệnh COVID-19 kéo dài cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 có sự sụt giảm đáng kể. 

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao do nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi các chính sách hỗ trợ sắp tới từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa "đóng cửa" hoàn toàn ở thời điểm này. 

Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.

Doanh nghiệp Đà Nẵng cho hơn 90.000 lao động chấm dứt hợp đồng, ngừng việc, nghỉ việc không lương

Trước đó, Cục Thống kê TP Đà Nẵng công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020 tại thành phố.

Theo kết quả khảo sát gần 50% số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn thành phố, hệ lụy nghiêm trọng của dịch COVID-19 là hiện tượng cắt giảm lao động trên diện rộng. Tình hình lao động buộc phải nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ việc diễn ra khá gay gắt, đôi với khu vực kinh tế phi chính thức, lao động thất nghiệp cũng ở mức trầm trọng không kém so với khối doanh nghiệp.

Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động - việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố năm 2020 ước tính 8,78%; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 9,15% (năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi là 3,55%).

Tính đến giữa tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có hơn 191.500 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó, có hơn 21.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 70.900 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 99.600 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Chu Lai