|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng thu hút sự chú ý đặc biệt từ các doanh nghiệp Nhật Bản

10:00 | 19/12/2020
Chia sẻ
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp Nhật Bản rút người lao động hoặc nhà máy khỏi nhiều nước, nhưng tình hình đầu tư vào Đà Nẵng vẫn trên đà tăng.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng vẫn tăng trong năm 2020

Mới đây, Sở Du lịch TP Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội du lịch Nhật Bản JATA tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu du lịch Đà Nẵng với chủ đề "Đà Nẵng, trung tâm di sản miền Trung Việt Nam, điểm đến an toàn, hấp dẫn 2021".

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng đang trên đà tăng - Ảnh 1.

Ông Yakabe Yoshinori, Trưởng Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng phát biểu. (Ảnh: Chu Lai).

Tại hội thảo, ông Yakabe Yoshinori, Trưởng Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, cho biết Văn phòng được thành lập vào 6/1/2020. Vùng quản lý của Văn phòng là TP Đà Nẵng và 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế.

Lý do thành lập Văn phòng lãnh sự nếu nói ngắn gọn thì là do đối với Nhật Bản, TP Đà Nẵng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Cụ thể là do tính quan trọng và sự cần thiết của lĩnh vực ngoại giao, lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực lãnh sự tăng cao.

Theo Trưởng Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng và ba tỉnh lân cận đã tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Ở thời điểm hiện tại là khoảng 300 công ty.

"Trong khi phong trào China +1 đang tiếp tục tăng tốc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đang thu hút sự chú ý nhiều nhất với tư cách là điểm đến đầu tư của các công ty Nhật Bản. Gần đây miền Trung Việt Nam, đặc biệt là TP Đà Nẵng đang thu hút được sự chú ý đặc biệt.

Lý do là vì so với Hà Nội và TP HCM thì phí nhân công ở Đà Nẵng rẻ hơn, chi phí thuê khu công nghiệp cũng chỉ bằng một phần, nên Đà Nẵng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với ngành công nghiệp chế tạo sử dụng lao động tập trung.

Việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài của các công ty Nhật Bản đang bị chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Có những nước mà doanh nghiệp Nhật Bản rút người lao động hoặc nhà máy về. 

Tuy nhiên, tình hình đầu tư vào Đà Nẵng của các doanh nghiệp Nhật trong năm nay vẫn trên đà tăng. Mặc dù dịch bệnh, dòng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng vẫn không giảm nhiệt. 

Hàng tháng vẫn có các thành viên mới được giới thiệu tại cuộc họp của Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng", ông Yakabe Yoshinori cho hay.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng đang trên đà tăng - Ảnh 2.

Một dự án chung cư cao cấp doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại TP Đà Nẵng. (Ảnh: Chu Lai).

Ông Yakabe Yoshinori chia sẻ thêm, ông đã ở Việt Nam gần 6 năm, sống ở ba thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Nhìn chung ông vẫn thích TP Đà Nẵng nhất bởi nơi đây không chỉ là cứ điểm để ghé thăm phố cổ Hội An, di sản Mỹ Sơn, cố đô Huế, Phong Nha Kẻ Bàng mà còn có thể trải nghiệm các tour du lịch sinh thái với biển và núi. 

Ngoài ra, trừ mùa bão thì khí hậu ở nơi đây cũng rất dễ chịu. Dự án viện dưỡng lão cho người Nhật cũng đang trong giai đoạn thảo luận xây dựng.

Ông Yakabe Yoshinori hi vọng nhiều người Nhật cũng sẽ cảm nhận được sức hấp dẫn của TP Đà Nẵng, dịch bệnh COVID-19 chấm dứt, việc đi lại giữa Nhật Bản và Đà Nẵng sẽ sớm được khôi phục trở lại.

213 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 917 triệu USD

Trước việc đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào thành phố tăng cao, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố ngày 16/12 vừa qua cũng đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật dành cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng.

Theo đó, Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản cập nhật các văn bản pháp luật và giải đáp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, sinh sống tại Đà Nẵng trên các lĩnh vực: Thuế, hải quan, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giao thông, quản lý cư trú cho người nước ngoài, quản lý người lao động, các quy định cách ly cho các chuyên gia, thân nhân khi nhập cảnh vào Việt Nam trong điều kiện dịch COVID-19 và các chính sách khác có liên quan.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết chính quyền thành phố luôn xác định sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tạo nguồn lực quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng. UBND TP Đà Nẵng luôn cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm mà Đà Nẵng đang tập trung thu hút và hỗ trợ đầu tư. 

Tính đến tháng 11/2020, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư tại Đà Nẵng với 213 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 917 triệu USD, chiếm 25% tổng số dự án đầu tư nước ngoài và hơn 23% tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại thành phố.

Các doanh nghiệp đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến chế tạo...

Các dự án FDI Nhật Bản tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại thành phố và đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 990 triệu USD (tạm tính năm 2020).

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng đang trên đà tăng - Ảnh 3.

Dự án Khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel với tổng vốn 100 triệu USD, do Công ty CP Mikazuki (thuộc Tập đoàn Mikazuki, Nhật Bản) làm chủ đầu tư đang xây dựng. (Ảnh: Chu Lai).

Theo tài liệu của chúng tôi, doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai tại Đà Nẵng các dự án lớn như: Dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao với tổng đầu tư 40 triệu USD (khoảng 930 tỉ đồng) của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. Dự án được BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Tọa đàm mùa xuân năm 2019 trên diện tích đất sử dụng 4 ha, dự kiến tuyển dụng mới hơn 3.300 lao động.

Đây là dự án thứ ba của của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, nâng tổng vốn đầu tư của ba dự án đến nay lên 90 triệu USD, khoảng 1.740 tỷ đồng.

Dự án Khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel với tổng vốn 100 triệu USD, do Công ty CP Mikazuki (thuộc Tập đoàn Mikazuki, Nhật Bản) làm chủ đầu tư.

Chu Lai

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.