Các tập đoàn lớn lĩnh vực CNTT chọn Đà Nẵng để đầu tư vì những lý do này
Đà Nẵng có nguồn tài nguyên nhân lực tốt, dẫn đầu trong việc phát triển ICT của Việt Nam
Mới đây, Tập đoàn LG đã đưa vào hoạt động Trung tâm phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi (viết tắt Trung tâm phát triển LG VS) đặt tại tòa nhà DITP Tower, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Có mặt tại buổi cắt băng đưa vào hoạt động Trung tâm, ông Ahn Min Sik, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng chia sẻ, thời điểm mới thiết lập quan hệ kinh tế, kim ngạch thương mại Việt Nam và Hàn Quốc chỉ đạt 500 triệu USD, tới năm 2019 đã vượt hơn 69 tỉ USD và Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Theo Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, đáng tiếc là các doanh nghiệp Hàn Quốc mới tập trung đầu tư vào khu vực phía Bắc và phía Nam Việt Nam, còn miền Trung vẫn chưa được chú ý.
Tuy nhiên, việc khai trương Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc và thành lập Trung tâm phát triển của LG cùng tại Đà Nẵng trong năm 2020 sẽ là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ quan tâm đầu tư hơn vào khu vực miền Trung của Việt Nam.
Ông Ahn Min Sik cho rằng thành phố Đà Nẵng đang dẫn đầu trong việc phát triển ICT của Việt Nam, qua việc chiếm vị trí số 1 trong 11 năm liên tục về chỉ số ICT được bình chọn bởi Bộ TT&TT. Ông nhận định Đà Nẵng có tài nguyên nhân lực tốt khi mỗi năm có hơn 5.000 nhân tài tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học CNTT và TT Việt - Hàn.
Những nguồn tài nguyên về nhân lực như vậy sẽ trở thành nền tảng cho sự thành công của Trung tâm phát triển LG VS và trong tương lai đóng góp vào bước nhảy vọt của Đà Nẵng thành IT Hub.
"Tục ngữ Việt Nam có câu 'sau cơn mưa trời lại sáng', dù bây giờ mọi thứ đều đang khó khăn do tình hình dịch COVID-19 nhưng trong thời gian không xa hơn nữa, tôi kì vọng nhiều tập đoàn Hàn Quốc sẽ gõ cửa đầu tư hơn nữa", ông Ahn Min Sik, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng chia sẻ.
Theo lãnh đạo Trung tâm phát triển LG VS, sau hơn hai tháng đặt chân đến Đà Nẵng, LG đã nhìn thấy tiềm lực to lớn của thành phố, thể hiện trong sự hòa nhã, thân thiện của con người cùng với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Sự hiện diện của rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nổi bật trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những nhân tài đang hội tụ nơi đây.
Những kỹ sư phát triển phần mềm Việt Nam có khả năng tiếp thu phương pháp làm việc mới rất nhanh chóng, tinh thần làm việc hết mình, không từ bỏ trước bất kì khó khăn, thử thách nào và luôn cố gắng đến cùng để hòan thành những điều đã cam kết.
Chính việc chứng minh được sự quyết tâm, năng lực, tinh thần trách nhiệm của các kỹ sư phát triển phần mềm Việt Nam trong công ty đã tạo niềm tin ở lãnh đạo Tập đoàn LG. Qua đó mang tới những cơ hội đầu tư và mở rộng mới. Bằng chứng là sau hai tháng, LG đã thành lập Trung tâm phát triển LG VS tại Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 8/6, Công ty Ubisoft (Pháp), một trong 4 công ty lập trình game lớn nhất toàn cầu đã mở văn phòng chính thức tại Đà Nẵng.
Tại buổi thông tin mở văn phòng, đại diện Công ty Ubisoft Việt Nam chia sẻ, Đà Nẵng là một thành phố đáng sống, rất lí tưởng để đội ngũ lập trình viên, thiết kế của công ty sinh sống và làm việc. Thêm vào đó, việc TP Đà Nẵng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, công nghệ cao sẽ góp phần biến khu vực này trở thành một trung tâm phát triển công nghệ trong tương lai. Nhờ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, nhiệt tình từ các cơ quan quản lí của TP Đà Nẵng, văn phòng của Ubisoft có thể chính thức hoạt động chỉ sau 6 tháng.
Ngoài Tập đoàn LG, Ubisoft, tháng 9 mới đây, Tập đoàn công nghệ CMC cũng đã đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (CMC Creative Space) tại Đà Nẵng với các phân khu chức năng như: khu nghiên cứu và phát triển; khu sản xuất phần mềm, CNTT; trạm trung chuyển Internet; trung tâm dữ liệu; khu nhà ở cho chuyên gia, cán bộ, nhân viên và dịch vụ liên quan với đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn cao cấp. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án là 12.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định mục tiêu của dự án Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC hoàn toàn phù hợp với một trong những định hướng phát triển của thành phố là trở thành trung tâm công nghệ cao, CNTT của cả nước và khu vực.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đề nghị Sở KH&ĐT thành phố sớm phê duyệt chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Tập đoàn công nghệ CMC, đồng thời giao cho các sở ban ngành liên quan giao khẩn trương thực hiện các thủ tục để chuẩn bị cơ sở pháp lí và điều kiện cho việc triển khai đầu tư.
Tập đoàn Công nghệ CMC đặt quyết tâm đẩy mạnh tiến độ các công việc liên quan đến mỗi bên có thể khởi công dự án vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng thành phố 29/3/2021.
Đà Nẵng có hạ tầng tốt để doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong lĩnh vực CNTT
TP Đà Nẵng hiện đang có hai khu CNTT tập trung là Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) với diện tích khoảng 1,08 ha, tổng mức đầu tư 161 tỉ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2008.
Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có diện tích 131 ha, tổng mức đầu tư hơn 660 tỉ đồng, đã khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 29/3/2019.
Hôm 10/10, UBND TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức lễ khởi công công trình Khu công viên phần mềm số 2 trên khu đất xây dựng có tổng diện tích 28.573 m2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu.
Công trình gồm khối toà nhà văn phòng ICT 20 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 26.267m2; khối toà nhà văn phòng trụ sở 8 tầng ICT1 8 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 39.297m2; khối tòa nhà văn phòng trụ sở kết hợp khu cà phê 8 tầng ICT2 với tổng diện tích sàn xây dựng 27.220m2 cùng hệ thống sân bãi, giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh thảm cỏ, hệ thống hạ tầng kĩ thuật đồng bộ (san nền, giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng,...).
Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) sử dụng nguồn ngân sách TP Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 703 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành dự án dự kiến sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số.
Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa đối với phát triển công nghiệp CNTT và tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, khơi thông nguồn vốn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số...