|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng ngàn héc ta mía 'quá lứa' khô lá chờ nhà máy mua

13:53 | 26/04/2018
Chia sẻ
Nông dân có hợp đồng tiêu thụ thì mòn mỏi chờ NM. Nông dân không ký hợp đồng chỉ biết khóc ròng trên đồng mía. Nhiều nông dân kêu bán, 1ha mía năng suất trên 60 tấn/ha, chỉ với giá 10 triệu đồng...

Phú Yên có 3 NM chế biến đường là KCP Sơn Hòa, NM đường Đồng Xuân (Cty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) và NM đường TUSUCO (Cty CP Mía đường Tuy Hòa). Do giá đường xuống thấp, tiến độ thu mua chậm cộng với nắng hạn kéo dài khiến hàng ngàn héc ta mía trên soi, gò đã “quá lứa” khô lá.

Mía “quá lứa” khô lá trải dài

Niên vụ 2017 - 2018, Phú Yên có 25.949ha mía, tập trung tại 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Sơn Hòa là “thủ phủ” mía của tỉnh với 13.400ha. Nơi đây có NM đường KCP Sơn Hòa nhưng do việc thu mua mía chậm nên hàng trăm héc ta mía khô lá.

hang ngan hec ta mia qua lua kho la cho nha may mua
Mía ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) khô lá tận đọt

Ông Đinh Văn Hoạt ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) trồng 5ha mía nhưng hiện gia đình thuê công mới chặt được 1ha, số mía còn lại đứng đám đang khô lá nách (lá gần đọt mía). Trời nắng nóng, lá mía ngày càng khô héo.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, ông Nguyễn Minh Vương, cho hay: Toàn xã có 1.800ha mía, đến nay thu hoạch 950ha, tương đương 70.000 tấn mía. Tiến độ thu mua mía rất chậm, UBND xã phối hợp với trạm thu mua mía thúc đẩy tiến độ thu hoạch, tránh tình trạng khô cháy lá mía.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Niên vụ mía này nông dân hết sức khó khăn. Nhà máy vào vụ ép trễ hơn 1 tháng, nên có ruộng mía đúng ra thu hoạch trong tháng 2 nhưng đến nay vẫn còn đứng đám. Đến nay tiến độ thu mua nhà máy đạt 65% số diện tích mía toàn huyện.

Xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) có 1.800ha mía thuộc vùng nguyên liệu mía NM đường TUSUCO (Cty CP Mía đường Tuy Hòa). Hiện nay cánh đồng mía rộng “bao la” này cây mía đã chín, lá đã khô, vậy nhưng mỗi ngày, xã Early chỉ được nhà máy cấp phiếu phát hơn 15ha.

hang ngan hec ta mia qua lua kho la cho nha may mua
Mía chặt chất đống ven quốc lộ 25, đoạn qua xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) chờ xe tải đến chở
Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Hơn 5.000ha mía trên địa bàn huyện nhưng mới chỉ thu hoạch được khoảng 2.000ha. Nếu với tốc độ thu mua mía chậm như hiện nay thì phải mất 3 tháng nữa người dân mới có thể thu hoạch hết mía.

Nông dân có hợp đồng tiêu thụ thì mòn mỏi chờ NM. Nông dân không ký hợp đồng chỉ biết khóc ròng trên đồng mía. Nhiều nông dân kêu bán, 1ha mía năng suất trên 60 tấn/ha, chỉ với giá 10 triệu đồng cho tư thương nhưng họ không mua.

Ông Nguyễn Văn Tân, người trồng mía buồn bã nói: Vừa rồi có người chặt 1ha mía bán cho tư thương, mía chất đống cạnh đường chờ xe tải chở nhưng chờ đến khi mía khô xe không đến chở nông dân đành đốt. Hiện nay cánh đồng mía trải dài từ xã Ea Ly đến xã Ea Ba đang đứng đám đã “quá lứa” khô lá, chờ cháy.

Nông dân phủi tay về không

Theo nhiều người trồng mía ở Phú Yên, đây là vụ mía “bầm dập”. Giá mía đầu vụ NM thu mua 800.000 đồng/tấn/10 CCS (chữ đường) tại cổng, nay hạ xuống còn 720.000 đồng. Nhưng giá này thật chất là giá ảo, vì khi chở mía đến nhà máy còn trừ tạp chất, thử chữ đường.

Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) cho rằng: Trung bình trừ mỗi xe mía 20 tấn, nhà máy trừ 7% tạp chất, mất hết 1,4 tấn. Thử chữ đường chỉ 8 CCS, thì người trồng mía còn 500.000 đồng/tấn là cùng. Trong khi, người trồng mía “gánh” đủ chi phí 20 tấn, đó là công chặt và bốc lên xe 300.000 đồng/tấn, tiền vận chuyển 30.000 đồng/tấn. Phần còn lại không đủ bù vốn đầu tư, từ cày bừa, trồng, chăm sóc…

Với giá mía như vậy coi như nông dân phủi tay về không, đó là chưa kể cân NM cân thiếu. Thời gian gần đây, người trồng mía chấp nhận bỏ ra chi phí 50.000 đồng/tấn, đến cân tại trạm cân tư nhân bên ngoài, để khi chở mía đến NM cân thiếu còn có cơ sở “la làng”.

hang ngan hec ta mia qua lua kho la cho nha may mua

Mía chặt chất đống nối dài ven đường thuộc huyện Sơn Hòa

Cũng theo ông Bình, năm nay đường tinh luyện nhũng bán không chạy nên nhà máy còn “làm dày làm mỏng”. Giả sử năm ngoái đường có giá, người trồng mía ký hợp đồng bán cho NM 70 tấn, nhưng cuối vụ chỉ bán 65 tấn, thì tổ nông vụ NM họp, hỏi còn 5 tấn bán ở đâu, đòi phạt vi phạm hợp đồng (đầu vụ nông dân “độ” năng suất vì trồng mía phụ thuộc thời tiết nắng hạn, khâu chăm sóc nữa).

Còn năm nay ký hợp đồng 80 tấn nhưng người trồng mía đầu tư mô hình tưới nhỏ giọt, năng suất lên đến 100 tấn, vượt 20 tấn thì số này NM mua ngoài hợp đồng theo giá mua sô chỉ 650.000 đồng/tấn.

Ông Subbaiah, TGĐ Cty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết, KCP ưu tiên thu mua mía hợp đồng, mục đích ràng buộc nông dân khi đặt hom mía xuống xác định bán cho ai. Còn niên vụ này, NM hợp đồng thu mua 20.000ha mía, đến nay nông dân thu hoạch gần 14.000ha.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh: Do giá đường xuống thấp nên giá mua mía nguyên liệu được các NM áp dụng là 800.000 đồng/tấn mía sạch với chữ đường 10 CCS, giảm gần 300.000 đồng/tấn so với năm ngoái. Trong khi đó, năng suất mía 68,8 tấn/ha và chữ đường bình quân chỉ đạt 8.1 CCS, nên nông dân gần như bị thua lỗ. Tuy nhiên, các NM vẫn cam kết sẽ thu mua hết mía trong vùng nguyên liệu đã có hợp đồng từ trước.

Mạnh Hoài Nam