Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc
Theo Forbes, hãng tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney vừa công bố báo cáo Reshoring Index (chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp), cho thấy sản xuất nội địa Mỹ chiếm thị phần lớn hơn đáng kể trong năm 2019 so với hàng nhập khẩu từ 14 nền kinh tế châu Á. Trong đó, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Báo cáo cho biết trong năm 2019, nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ 14 nước châu Á vào Mỹ sụt giảm 7,2% xuống 757 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lao dốc 17%. Trong khi đó, doanh số hàng sản xuất nội địa Mỹ ổn định ở mức 6.271 tỷ USD.
Kearney khẳng định khoảng 31 tỷ USD hàng sản xuất nhập khẩu vào Mỹ đã dịch chuyển từ nguồn Trung Quốc đến các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan... Ngoài ra, doanh nghiệp Mỹ cũng dịch chuyển dây chuyền sản xuất tới Mexico.
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ tháng 7/2019, hơn 80% thương hiệu thời trang nước này lên kế hoạch giảm nguồn cung từ Trung Quốc.
Theo Kearney, năm ngoái nhiều công ty Mỹ đã chủ động "tư duy lại" về chuỗi cung ứng. Họ thuyết phục các đối tác ở Trung Quốc di dời nhà máy sản xuất đến Đông Nam Á để tránh thuế trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hoặc rút hẳn hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
"30 năm trước, các nhà sản xuất Mỹ xây dựng hệ thống sản xuất tại Trung Quốc vì chi phí rẻ. Thương chiến dẫn tới gánh nặng thuế và nguy cơ gián đoạn nguồn cung, buộc các doanh nghiệp Mỹ phải cân nhắc vấn đề chi phí", chuyên gia Patrick Van den Bossche - tác giả báo cáo của Kearney - giải thích.
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc rồi lan khắp Trung Quốc và thế giới, tạo ra một vấn đề mới nghiêm trọng không kém. "Đó là khả năng dự đoán và thích nghi với những cú sốc không lường trước", chuyên gia Van den Bossche khẳng định.
Năm 2020, thương chiến Mỹ - Trung giảm nhiệt khi dịch COVID-19 bùng nổ. Các công ty Mỹ và quốc tế lao đao, không thể nhập hàng hóa, thiết bị và vật tư vì hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa. Và khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, đến lượt Mỹ và châu Âu bị virus corona chủng mới tấn công dữ dội, các hoạt động kinh tế tê liệt.
Vẫn chưa thể xác định rõ toàn bộ hậu quả xã hội và kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra với nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên các chuyên gia Kearney nhấn mạnh trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, sẽ không có chuyện doanh nghiệp Mỹ quay trở lại với trạng thái như trước dịch.
Kearney dự báo các công ty Mỹ sẽ quyết liệt "tư duy lại" chiến lược gia công và toàn bộ chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Mỹ sẽ đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu rủi ro thay vì dựa hoàn toàn vào Trung Quốc để rồi lĩnh hậu quả, như những gì đã xảy ra trong dịch COVID-19.
Tương tự Mỹ, mới đây chính phủ Nhật Bản cũng thông qua gói 2,2 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp nước này chuyển dời các ngành sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc sau dịch COVID-19.
Theo Kearney, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp Mỹ và các nước sẽ từ bỏ Trung Quốc hoàn toàn. Tuy nhiên, thời kỳ Trung Quốc là công xưởng không thể thiếu của phương Tây đã sắp trôi qua.