|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hàng không Việt còn chặng đường hồi phục dài phía trước

11:29 | 14/04/2021
Chia sẻ
Trong quý I, các hãng hàng không nước ta gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Vasco, Bamboo Airways và Vietravel Airlines khai thác tổng cộng 58.302 chuyến bay, giảm 1/4 so với cùng kỳ 2020.
Hàng không Việt còn chặng đường hồi phục dài phía trước - Ảnh 1.

Hành khách chuẩn bị lên tàu bay tại Cảng hàng không Chu Lai, Quảng Nam. (Ảnh: Đức Quyền).

Theo số liệu vừa được Cục Hàng không công bố, Vietnam Airlines khai thác tổng cộng 20.280 chuyến bay trong ba tháng đầu năm 2021. Vietjet Air đứng ngay sau với 20.142 chuyến. Bamboo Airways xếp thứ ba với hơn 11.300 chuyến. Pacific Airlines và Vasco lần lượt khai thác khoảng 4.200 và 1.700 chuyến. Tân binh Vietravel thực hiện trên 600 chuyến

Số chuyến bay của các hãng đều giảm khoảng 25-40% so với quý I/2020, ngoại trừ Bamboo Airways tăng 2,6% còn Vietravel không có số liệu cùng kỳ năm ngoái để so sánh. Tính chung toàn ngành, số chuyến khai thác giảm 24,8%.

Quý I/2020 chính là quãng thời gian COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và gây tác hại ghê gớm tới hoạt động hàng không. Ngày 1/2, nước ta dừng mọi chuyến bay với Trung Quốc. Ngày 26/3, tất cả chuyến bay quốc tế bị ngừng. Số chuyến bay trong nước cũng sụt giảm đáng kể vì lo ngại dịch bệnh lây lan.

Dù vậy, các hãng hàng không vẫn hoạt động bình thường trong tháng 1/2020 – cũng là tháng cao điểm Tết Nguyên đán. 

Trái lại, vào quý đầu năm 2021, các đường bay quốc tế vẫn chưa được khôi phục, hành khách di chuyển nội địa vẫn còn e dè và dịch đợt 3 lại bùng phát đúng dịp Tết, khiến cho nhiều hãng lỗ trong mùa cao điểm. Vì thế nên số chuyến bay còn chưa thể quay về giai đoạn đầu dịch chứ chưa nói đến quãng thời gian trước dịch.

Hàng không Việt còn chặng đường hồi phục dài phía trước - Ảnh 2.

Tổng cộng các hãng hàng không nước ta chậm 2.622 chuyến bay trong ba tháng đầu năm. Tỷ lệ cất cánh đúng giờ toàn ngành (OTP) là 95,5%, cải thiện đáng kể so với con số 88,2% của quý I năm ngoái.

Vietjet Air ghi nhận tiến bộ vượt bậc khi OTP đạt 94,4%, tăng tới 11,2 điểm %. Vietnam Airlines và Bamboo Airways cũng nâng tỷ lệ cất cánh đúng giờ thêm lần lượt 4,6 và 1,2 điểm %. Tuy nhiên quán quân OTP lại thuộc về tân binh Vietravel với tỷ lệ 97,5%, Bamboo Airways đứng ngay sau với 96,6%.

Một điểm thú vị là khi Bamboo bắt đầu bay thương mại vào tháng 1/2019, hãng này gây bất ngờ bằng việc liên tục giữ ngôi vô địch về tỷ lệ đúng giờ. Sau khi Vietravel gia nhập bầu trời từ tháng 1/2021 thì vị trí số 1 lại chuyển từ tay Bamboo sang tân binh này, mặc dù tỷ lệ OTP của Bamboo vẫn liên tục cải thiện.

Hàng không Việt còn chặng đường hồi phục dài phía trước - Ảnh 3.

Những biến động lớn trong ngành

Trong hơn 4 tháng đầu năm nay, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không trong nước đã chứng kiến nhiều biến động lớn.

Ngày 5/2, Bamboo Airways - hãng bay do Tập đoàn FLC thành lập - tăng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập là Tập đoàn FLC góp thêm cổ phần nhưng không bì kịp với tốc độ tăng vốn của Bamboo nên tỷ lệ sở hữu giảm từ 51,2% còn 39,4%. 

Nói cách khác, từ ngày 5/2 năm nay, về mặt pháp lý thì Bamboo không còn là công ty con của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này vẫn có chung các nhân sự điều hành chủ chốt như ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT của cả FLC và Bamboo) hay ông Đặng Tất Thắng (Phó Chủ tịch FLC, Tổng Giám đốc Bamboo).

Ngày 13/4, tức hơn hai tháng sau lần tăng vốn gần nhất, Bamboo Airways tiếp tục nâng vốn lên 12.500 tỷ đồng. 

Hồi giữa tháng 3, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết công bố kế hoạch niêm yết 1,05 tỷ cổ phiếu BAV của Bamboo Airways lên sàn chứng khoán Việt Nam trong quý III, vốn hóa dự kiến 2,7 tỷ USD.

Đến ngày 14/4, ông Quyết thay đổi kế hoạch thành niêm yết tại Mỹ, tham vọng huy động 200 triệu USD, vốn hóa 4 tỷ USD. 

Chỉ trong chưa đầy một tháng, mục tiêu định giá của Bamboo Airways đã tăng thêm 1,3 tỷ USD.

Trong năm 2021, hãng dự định nâng quy mô đội bay lên 40 chiếc, chiếm 30% thị phần.

Về phần Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận vì đề xuất Bộ Giao thông vận tải nâng giá trần và bắt đầu áp giá sàn vé máy bay. Ngoài ra, hãng còn đề xuất được phân bổ 100% slot bay quốc tế và 50% slot bay nội địa trong đợt tới.

Các chuyên gia đánh giá Vietnam Airlines đang muốn đè nén sự cạnh tranh trên thị trường, đòi quay lại thời kỳ độc quyền trước đây.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM nói: "Vietnam Airlines cần cải tổ quản lý sao cho đủ mạnh để cạnh tranh, không nên dựa vào cơ chế như thời bao cấp, độc quyền ngày xưa".

Vietnam Airlines cho biết đã áp dụng nhiều giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh để ứng phó với khủng hoảng như: thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp để giảm giá và giãn tiến độ thanh toán, cắt giảm chi phí … Hãng cũng tăng cường vay nợ ngân hàng để bù đắp thanh khoản.

Vietnam Airlines và các chủ nợ, các nhà cung cấp đều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước với tư cách cổ đông chi phối nắm giữ 86,2% vốn của Vietnam Airlines. Hãng đang làm thủ tục để vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng và chuẩn bị phương án phát hành thêm cổ phiếu để huy động 8.000 tỷ đồng, theo chủ trương đã được Quốc hội và Thủ tướng phê duyệt.

Về phần Vietjet, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam này báo lãi 70 tỷ đồng năm 2020, theo báo cáo trước kiểm toán. Hiện nay đã quá hạn chót 10/4 nhưng hãng chưa công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán vì có nhiều đối tác tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như châu Âu, Mỹ, Anh, Hong Kong, Trung Quốc, … chưa gửi đủ thông tin để hoàn thiện báo cáo.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đồng ý gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Vietjet.

Đức Quyền