Hàng hóa châu Á đối mặt với nguy cơ mắc kẹt tại các kho cảng châu Âu
Tờ Financial Times, hôm 12-4, cho biết các nhà bán lẻ ở châu Âu đã đặt mua hàng hóa ở châu Á khi nền kinh tế Trung Quốc dần hồi phục sau khi dịch COVID-19 được khống chế ở nước này, trước khi các nước châu Âu ban hành lệnh phong tỏa để ứng phó dịch bệnh. Giờ đây, các tàu hàng từ châu Á đang cập các cảng lớn như Rotterdam (Hà Lan), Antwerp (Bỉ), Hamburg (Đức).
Tuy nhiên phần lớn hoạt động kinh tế châu Âu gần như bất động vì các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh nhằm kìm hãm đà lây lan của COVID-19.
Khi mà hàng loạt doanh nghiệp đều phải đóng cửa nhà máy và cửa hàng của họ khắp châu Âu, tình trạng tắc nghẽn sẽ xuất hiện trong chuỗi cung cứng vận chuyển hàng hóa từ các bến cảng đến tay người tiêu dùng.
Lars Jensen, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn SeaIntelligence Consulting, nói: “Số hàng hóa châu Á này đang đến châu Âu nhưng không ai có nhu cầu mua nữa.
Đó chính là vấn đề. Bạn sẽ chứng kiến hàng hóa dồn ứ ở các kho cảng châu Âu trong 4 đến 5 tuần tới. Các nhà nhập khẩu sẽ đối mặt với tình trạng các nhà kho tràn ngập hàng hóa vì thực tế, số lượng hàng hóa khổng lồ mà họ định giao này sẽ không thể bán được”.
¾ giá trị hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu được vận chuyển bằng đường biển, trong khi đó 30% giá trị hàng hóa giao dịch ở nội bộ châu Á cũng được chở bằng tàu vận tải biển. Vì vậy, bất kỳ sự ứ đọng hàng hóa nào tại các kho cảng ở châu Âu sẽ nhanh chóng gây tác động ra khắp mạng lưới phân phối.
Các công ty quản lý cảng ở châu Âu cho biết họ đã sẵn sàng xử lý lượng container hàng hóa dồn dập ập đến từ châu Á. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng ở châu Âu đang giảm mạnh, có nghĩa là số hàng hóa này khó nhanh chóng được phân phối nhanh so với bình thường.
Các công ty kho vận châu Âu cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do nhiều nhân viên của họ bị nhiễm COVID-19 hoặc đang tự cách ly tại nhà.
Ngoài ra, các lo ngại về thiếu hụt dòng tiền khi hoạt động kinh doanh đình trệ do dịch bệnh có thể khiến nhiều doanh nghiệp không muốn hoặc không thể nhận số hàng hóa đã đặt mua trước đó.
Các cửa khẩu biên giới đường bộ ở châu Âu đã thông thoáng hơn sau nhiều tuần bị kẹt với những đoàn xe tải chở hàng xếp dài nhưng các điểm nghẽn có thể xuất hiện tại các bến cảng, nơi cointainer hàng hóa đang chất đống và tại các nhà kho, nơi chứng kiến tốc độ quay vòng hàng hóa, đặc biệt là những hàng không thiết yếu, chậm hẳn so với bình thường.
Tại cảng Zeebrugge (Bỉ), trung tâm xuất nhập khẩu ô tô nhất thế giới, nhiều biện pháp đang được tiến hành để lưu trữ hàng ngàn ô tô chưa có ai đến nhận, bao gồm rải sỏi lên những khoảng đất chưa lát nền để mở rộng không gian đỗ xe.
“Trong 3 tuần tới, nhiều kho cảng ở châu Âu sẽ đối mặt với các vấn đề liên quan đến lượng hàng hóa dồn dập ập tới và thiếu không gian lưu trữ”, Rik Goetinck, Giám đốc điều hàng cảng Zeebrugge, nói. Ông cho biết một số tàu hàng sẽ được sử dụng làm kho nổi.
Các công ty vận tải biển bao gồm CMA CGM (Pháp) đang đề xuất chủ hàng tạm thời bốc dỡ các container hàng hóa không thiết yếu xuống các cảng trung gian như cảng Piraeus ở Hy Lạp và cảng Algeciras ở Tây Ban Nha, trước khi đến các cảng cuối cùng ở Bắc Âu để tránh tình trạng bị ứ đọng lâu, gây tốn kém phí kho bãi.
Luc Portier, Giám đốc phụ trách phát triển của CMA CGM, nói: “Chúng tôi sẽ duy trì giải pháp này đến chừng nào còn cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra là tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu”.
Một số công ty lo ngại tình trạng dồn ứ trong chuỗi kho vận có nguy cơ gây chậm trễ cho hoạt động giao hàng hóa thiết yếu cho các bệnh viện và siêu thị.
Philip Edge, Giám đốc điều hành Công ty môi giới kho vận Edge Worldwide Logistics (Anh), cho hay công ty ông đang thu xếp quá cảnh cho hàng chục container hàng hóa bảo hộ y tế như khẩu trang và găng tay mỗi tháng ở các cảng trung gian để tránh tình trạng bị mắc kẹt tại các cảng đến.
Ông cho biết: “Tình trạng dồn ứ container ở các cảng ở châu Âu chỉ đang bắt đầu xảy ra”.