|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng bay giá rẻ nội địa có sức chống chịu tốt hơn trước thách thức COVID-19

08:29 | 30/01/2021
Chia sẻ
Giới phân tích cho rằng, hãng bay giá rẻ nội địa sẽ có sức chống chịu trước làn sóng COVID-19 tốt hơn bởi chi phí vận hành thấp, đội tàu bay chủ yếu là loại thân hẹp phù hợp với các tuyến trong nước trong bối cảnh việc đi lại giữa các quốc gia đang gặp khó.

Theo CNBC, trong khi thế giới đang bước vào cuộc đua vắc xin để chống lại COVID-19, giới phân tích cho rằng ngày càng nhiều hãng hàng không sẽ phá sản trong năm nay và nhu cầu đi lại bằng phương tiện tàu bay sẽ khó có thể phục hồi như trước đại dịch.

Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn còn tia hy vọng với các hãng bay giá rẻ, chủ yếu bay nội địa, bởi họ có khả năng hồi phục nhanh hơn các hãng lớn, trong khi vẫn cung cấp đầy đủ dịch vụ.

Hãng bay giá rẻ nội địa có sức chống chịu tốt hơn trước thách thức COVID-19 - Ảnh 1.

Hãng hàng không Jetstar Airways đường băng tại Sân bay Melbourne (Australia), ngày 1/9/2020. (Ảnh: Bloomberg).

Khó khăn chồng chất của ngành hàng không

"Sẽ có thêm nhiều vụ phá sản vì thiếu "dưỡng khí"", đó là nhận định của ông Peter Harbison, chủ tịch hãng tư vấn CAPA, với CNBC. Ông cũng cho rằng các thương vụ hợp nhất giữa các công ty là khó xảy ra bên ngoài thị trường trong nước. Vì thế, phá sản sẽ là kịch bản diễn ra thường xuyên hơn.

Theo hãng dữ liệu về du lịch của công ty Cirium, 48 hãng bay đã phải ngừng hoạt động trong năm 2020. Năm COVID đầu tiên, các chính phủ đã vào cuộc nhằm giúp các hãng bay duy trì hoạt động, thông qua hàng loạt biện pháp, từ hỗ trợ trực tiếp đến hỗ trợ việc làm, ông Harbison nói. 

Vào thời điểm này, các hãng bay thường dự trữ được tiền mặt từ việc đặt vé trước cho mùa xuân và hè. Tuy nhiên, theo ông Harbison, tình trạng lây nhiễm virus tại nhiều quốc gia và khả năng biên giới tiếp tục đóng cửa khiến nhiều người lưỡng lự đặt vé sớm, bất chấp giá vé đang rất rẻ và các điều khoản hoàn tiền, đổi vé rất hào phóng.

"Có rất nhiều biến cố sẽ xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ rằng trước thời điểm giữa năm 2021, các hãng bay sẽ nhận được khoản tiền như mong đợi", ông Harbison bổ sung thêm.

CAPA dự báo mức độ di chuyển bằng đường hàng không sẽ chỉ quay về mức tiền đại dịch vào năm 2025, do bất ổn kéo dài, hoạt động công tác bằng máy bay giảm mạnh và số ghế cho bay quốc tế ít hơn nhiều.

Hãng bay giá rẻ nội địa sẽ chịu "nhiệt" tốt hơn

Các chuyên gia trong ngành cho rằng các hãng bay giá rẻ phục vụ thị trường trong nước hoặc khu vực sẽ có cơ hội sống sót cao hơn các hãng liên lục địa, đầy đủ dịch vụ. Nguyên nhân có thể là biên giới vẫn còn đóng trong ngắn hạn và ít người đi công tác bằng máy bay hơn.

Shantanu Gangakhedkar, một chuyên gia tư vấn tại Frost & Sullivan cho biết: "Tôi tin rằng các hãng bay có hoạt động dịch vụ nội địa chiếm phần lớn sẽ có vị thế tốt hơn, ít nhất cho đến khi biên giới mở cửa trở lại".

Ông cho rằng các hãng bay giá rẻ có lợi thế hơn so với đối thủ cung cấp đầy đủ dịch vụ do họ có chi phí vận hành thấp hơn, đội tàu bay chủ yếu là loại thân hẹp, phù hợp với các tuyến trong nước.

Bà Joanna Lu, Giám đốc tư vấn tại Cirium, cho rằng các hãng hàng không thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với dư thừa công suất "trong ít nhất vài năm". Điều này có thể dẫn đến các thương vụ sáp nhập giữa các hãng bay, cũng như giữa các hãng cho thuê và cung cấp tàu bay, đây là sự thích ứng trước những thay đổi trong nhu cầu.

Dù vậy, bà Lu cũng cảnh báo các hãng bay giá rẻ khó cầm cự được lâu dài. "Nếu đại dịch kéo dài và các lệnh cấm di chuyển được duy trì, họ cũng sẽ bị tổn hại nhiều", bà trả lời CNBC.

Năm ngoái, đại dịch bùng phát khiến các nước phải đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, đẩy các hãng bay vào tình cảnh điêu đứng. Lưu lượng chở khách trong năm 2020 giảm 67% so với năm 2019, theo số liệu của Cirium. Các hãng bay phải cắt giảm chi phí lên tới 1 tỷ USD mỗi ngày mặc dù đã có sự hỗ trợ của chính phủ để ngăn việc phá sản quy mô lớn.

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) hồi tháng 12/2020 dự báo các hãng bay sẽ lỗ ròng 118,5 tỷ USD năm 2020 và 38,7 tỷ USD năm 2021. Ông Harbison cho biết trên thế giới, những bất ổn về sự an toàn của hành khách và khả năng đóng cửa biên giới vẫn là thách thức lớn.

"Chỉ có vài thị trường nội địa có giá trị lớn" kể cả khi các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đang tái bùng phát dịch.

"Chỉ trong thị trường nội địa, các loại vắc xin mới tạo tín hiệu tốt nhất khi tái mở cửa. Nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi và biến chủng của virus vẫn đang đe dọa, làm suy yếu các nỗ lực này", ông nói.

Tường Vy