|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ham lãi suất cao, nhà đầu tư mua phải trái phiếu của mafia Italy

09:53 | 08/07/2020
Chia sẻ
Một ngân hàng đầu tư lớn là khách hàng của hãng kiểm toán của EY cũng mua trái phiếu của công ty bình phong do băng đảng mafia khét tiếng 'Ndrangheta lập ra.
Ham lãi suất cao, nhà đầu tư quốc tế mua nhầm trái phiếu của mafia Italy  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn: Rome YESTERDAY

Nhiều nhà đầu tư quốc tế đã mua trái phiếu được đảm bảo bởi thu nhập đến từ hoạt động phạm tội của băng đảng mafia quyền lực nhất Italy, theo các tài liệu pháp lí và tài chính mà Financial Times được xem.

Trong một trường hợp, trái phiếu được đảm bảo một phần bởi công ty bình phong của băng nhóm mafia 'Ndrangheta đã được mua bởi Banca Generali, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất châu Âu. Vụ mua bán này nằm trong số các giao dịch được hãng kiểm toán EY cung cấp dịch vụ tư vấn.

Theo những người tham gia thị trường, khoảng 1 tỉ euro (1,13 tỉ USD) số trái phiếu tư nhân trên đã được bán cho nhà đầu tư quốc tế trong giai đoạn 2015-2019. Một số trái phiếu sau đó được phát hiện là có liên quan tới các tài sản được tạo ra bởi công ty bình phong cho 'Ndrangheta.

Ở các quốc gia ngoài Italy, 'Ndrangheta không nổi tiếng bằng mafia Sicilia. Tuy nhiên, trong vòng hai thập kỉ qua, 'Ndrangheta đã vươn lên trở thành một trong những tổ chức tội phạm giàu có và đáng sợ nhất thế giới phương Tây. Tổ chức này nhúng tay vào hàng loạt tội ác như buôn bán ma túy qui mô lớn, rửa tiền, tống tiền và buôn lậu vũ khí.

Europol, (Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu) ước tính mỗi năm 'Ndrangheta thu về tổng cộng 44 tỉ euro từ các hoạt động bất chính.

Những nhà đầu tư đã mua trái phiếu công ty bình phong của 'Ndrangheta bao gồm quĩ hưu trí, quĩ đầu cơ và văn phòng gia đình, các bên liên quan cho biết. Tất cả đều tìm cách kiếm được lợi suất cao trong môi trường lãi suất thấp hiện nay.

Những trái phiếu này được tạo ra từ các hóa đơn mà các cơ quan y tế công cộng của Italy chưa thanh toán cho công ty cung cấp dịch vụ y tế.

Theo luật của Liên minh châu Âu (EU), hóa đơn quá hạn của các tổ chức liên quan tới nhà nước sẽ phát sinh lãi suất phạt. Đặc điểm này khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với những công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV). 

Các công ty này sẽ phát hành trái phiếu dựa trên hóa đơn y tế quá hạn cùng với một nhóm các tài sản tài chính khác. Số trái phiếu này được đảm bảo bởi dòng tiền đến từ các khoản thanh toán trong tương lai cho số hóa đơn quá hạn nêu trên.

Phần lớn các tài sản tài chính trong thương vụ trên là hợp pháp, nhưng số còn lại đến từ những công ty được kiểm soát bởi các gia tộc của 'Ndrangheta. Các gia tộc này đã tìm được cách né tránh bài kiểm tra chống rửa tiền để lợi dụng nhu cầu dành cho các công cụ nợ lợi suất cao của nhà đầu tư quốc tế. 

Một thương vụ bán trái phiếu cho nhà đầu tư tổ chức có chứa các tài sản được bán bởi một trại tị nạn ở Calabria do các tổ chức tội phạm kiểm soát. Những tên tội phạm sau đó đã bị kết án vì ăn cắp hàng chục triệu euro của EU. 

Hầu hết các trái phiếu trên đều được mua bán trong giao dịch riêng lẻ, không được đánh giá bởi bất kì cơ quan xếp hạng tín dụng nào cũng như không trao đổi trên thị trường tài chính.

Một ngân hàng đầu tư nhỏ có trụ sở ở Geneva có tên là CFE đã tạo ra công cụ đầu tư để bán trái phiếu có liên quan tới trại tị nạn Calabria cho nhà đầu tư, bao gồm ngân hàng Banca Generali.

Banca Generali tuyên bố không biết về bất kì vấn đề nào đối với những tài sản cơ sở đảm bảo cho trái phiếu mà họ đã mua. Banca Generali nói thêm rằng họ dựa vào các bên trung gian để tiến hành kiểm tra chống rửa tiền đối với danh mục đầu tư.

CFE khẳng định họ chưa bao giờ cố ý mua tài sản có liên quan tới hành vi phạm pháp. CFE cho biết đã tiến hành thẩm định chi tiết đối với mọi tài sản tài chính liên quan tới lĩnh vực y tế mà họ xử lí với tư cách là trung gian tài chính. CFE cũng dựa vào các chuyên gia khác để kiểm tra chống rửa tiền. EY từ chối đưa ra bình luận.

Giang

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tác động từ vĩ mô toàn cầu đến TTCK Việt Nam tương đối thách thức
Tại sự kiện Báo cáo chiến lược đầu tư thường niên 2025 do FinPeace tổ chức mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright, đưa góc nhìn về bối cảnh kinh tế toàn cầu và xu hướng điều hành kinh tế vĩ mô trong nước, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.