Trung Quốc khuyến khích dân mua cổ phiếu, thị trường chứng khoán lập tức tăng nóng
Giới chuyên gia cho biết có hai yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu đi lên mạnh mẽ vào sáng 6/7: sự lạc quan về Trung Quốc và quan điểm rằng các ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ thị trường.
Theo CNBC, một bài viết đăng trên trang nhất tờ báo nhà nước China Securities Journal (Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc) được cho là nhân tố châm ngòi cho phiên bùng nổ mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc và lan sang thị trường toàn cầu chỉ trong một đêm.
Chỉ số Shanghai Composite nhảy vọt 5,7% sau khi bài báo viết rằng nhà đầu tư nên trông chờ "sự giàu có đến từ thị trường vốn" và triển vọng của "thị trường giá lên mạnh mẽ".
Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group viết: "Mỹ có Fed để thúc đẩy thị trường giá lên, còn Trung Quốc có truyền thông nhà nước".
Nhà đầu tư cá nhân có vẻ đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc phục hồi của thị trường. Chỉ số CSI 300 của cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến nhảy vọt 6%, lên đỉnh cao nhất trong 5 năm. Cổ phiếu Hong Kong tăng 3,8%.
Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economic cho biết: "Lịch sử có khá nhiều trường hợp các nhà hoạch định chính sách sử dụng truyền thông để thúc đẩy thị trường. Cách làm này không phải lúc nào cũng có kết quả tốt đẹp".
"Chúng ta đã chứng kiến điều này vào năm 2015, lúc đó Trung Quốc cũng đưa ra phát biểu y hệt bây giờ. Họ cố gắng đẩy thị trường lên cao hơn nữa. Cách này có hiệu quả trong một thời gian nhưng rồi thị trường cũng sụp đổ".
Ông Williams nhận xét: "Hiện tại, việc nhà đầu tư đổ xô vào thị trường Trung Quốc nội địa là hợp lí vì các nhà hoạch định chính sách đang nói rằng thị trường sẽ đi lên và có lẽ thực tế sẽ diễn ra như vậy trong một khoảng thời gian", nhưng nói thêm rằng nhiều khả năng thị trường sẽ không ổn định.
Nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, bao gồm căng thẳng thương mại với Mỹ. Nhưng trong thời gian gần, triển vọng về tình hình kinh tế Trung Quốc được cải thiện có tác động lan tỏa tốt tới các thị trường khác, thúc đẩy tâm lí nhà đầu tư toàn cầu.
Ông Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group cho rằng có thể có một số lí do chính đáng cho sự đi lên của thị trường Trung Quốc.
"Các thị trường chứng khoán quốc tế đã bị thị trường Mỹ bỏ xa trong suốt hơn 10 năm qua. Chỉ số Shanghai composite vẫn thấp hơn 50% so với đỉnh năm 2007. Bạn có thể đổ lỗi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ… nhưng có lẽ đây là thời điểm thị trường quốc tế bắt đầu bắt kịp Mỹ", ông Boockvar nói.
Hôm 6/7, chỉ số Nikkei của Nhật Bản và chỉ số Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 1,8% và 1,7%.
Hôm 3/7, chỉ số dịch vụ PMI của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong một thập kỉ. Chỉ số dịch vụ Caixin tháng 6 đạt 58,4 điểm; tăng 3,4 điểm so với tháng trước. Chỉ số PMI tháng 6 của Hong Kong đạt 49,6 điểm, tăng 5,7 điểm so với tháng 5.
"Có những thứ khác đang diễn ra ở Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn thị trường chứng khoán tăng, nó sẽ tăng. Một lí do khác là phe bán khống mua vào để trả lại hàng", ông Andrew Brenner, chuyên gia tư vấn tại National Alliance cho biết.
Bất chấp số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, chứng khoán Mỹ ngày 6/7 đồng loạt tăng điểm, thị trường chứng khoán tăng cầu cũng đi lên mạnh mẽ, ngoại trừ Australia.
Ông Brenner nói: "Tôi bắt đầu tin rằng số ca nhiễm COVID-19 là một chỉ báo ngược. Con số này càng tăng thì thị trường đi lên càng cao vì tiền từ Fed và các gói kích thích tài khóa sẽ đổ vào thị trường".
Ông Boockvar cũng cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang bỏ qua nỗi lo về COVID-19 vì nhà đầu tư trông đợi vào kích thích từ Fed.
Về thị trường Trung Quốc, nhà phân tích Hao Hong của Bocom International trao đổi với CNBC rằng chỉ số Shanghai Composite đã vượt qua đường trung bình trượt dài hạn MA850.
"Thị trường tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, mới đây Trung Quốc đã mở rộng tín dụng và tiền tệ", ông Hong cho biết. Nhưng ông nói thêm: "Tại Trung Quốc, thị trường giá lên bắt đầu nhanh mà kết thúc cũng chóng vánh".