|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu công nghệ tăng bỏ xa thị trường chung, bong bóng năm 2000 đang lặp lại với chứng khoán Mỹ?

16:22 | 03/07/2020
Chia sẻ
Bất chấp suy thoái kinh tế, chỉ số thiên về cổ phiếu công nghệ Nasdaq 100 đã tăng 18% so với đầu năm 2020. Chênh lệch tỉ suất sinh lời giữa Nasdaq 100 và chỉ số S&P 500 đang ở mức cao kỉ lục.

Việc cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ ngay sau khi mất 1/4 giá trị trong tháng 3 khiến nhiều người phải sửng sốt. Càng đáng ngạc nhiên hơn khi xu hướng này vẫn tiếp diễn sau khi giá đã quay trở lại mức đỉnh lịch sử. 

Nhưng đây chính là hiện tượng đang xảy ra đối với cổ phiếu những công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ. Những cổ phiếu này vừa ghi nhận một trong những tuần tăng giá mạnh nhất trong giai đoạn phục hồi.

Theo Bloomberg, trong một năm thị trường biến động cuồng loạn, không có điều gì lạ lùng hơn thực tế sau: Trong nửa đầu năm 2020, chỉ số Nasdaq 100 không chỉ lấy lại những gì đã mất mà còn đang trên đà tiến tới năm tăng trưởng mạnh nhất trong hai thập kỉ.

Trái ngược với những công ty phải chật vật để sống sót trong đại dịch, lợi thế của những gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ lại càng trở nên vượt trội nhờ lệnh phong tỏa trong bối cảnh nhà đầu tư đổ xô mua vào bất kì công ty nào có qui mô lớn và ổn định.

Ông Gary Bradshaw, nhà quản lí tại Hodges Capital Management nhận xét: "Để đạt được mức độ tăng trưởng như hiện tại, thông thường các công ty công nghệ phải mất từ 2-3 năm. COVID-19 đã rút ngắn khoảng thời gian này xuống còn vài tháng".

Dù sự đi lên mạnh mẽ của giá cổ phiếu công nghệ rất khác biệt so với tình hình kinh tế, nhưng ông Bradshaw vẫn khuyên nhà đầu tư nên xuống tiền vì "bạn đang mua cổ phiếu của những công ty tăng tưởng tốt nhất hành tinh trong môi trường lãi suất cực kì thấp".

Kết phiên giao dịch 2/7, chỉ số Nasdaq 100 đạt 10.341,89 điểm, cao hơn 600 điểm so với mức trước khi thị trường sụp đổ vì COVID-19. Thước đo tốc độ tăng điểm của Nasdaq 100 so với chỉ số S&P 500 vừa vượt qua ngưỡng đỉnh điểm trong thời kì bong bóng công nghệ những năm 2000.

Nasdaq 100 tăng quá nhanh quá nguy hiểm, chứng khoán Mỹ có bong bóng công nghệ thứ hai? - Ảnh 1.

Rất ít người có thể đoán trước cổ phiếu công nghệ sẽ tăng mạnh đến vậy. Trước khi COVID-19 gây náo loạn toàn cầu, Phố Wall tin rằng nạn nhân đầu tiên của các cuộc bán tháo sẽ là cổ phiếu công nghệ có định giá cao.

Nhưng thực tế lại không diễn ra như dự đoán của các chuyên gia. Thay vào đó, tình hình tài chính mạnh mẽ cùng với các đặc điểm dễ thích ứng với lệnh hạn chế đi lại đã che chắn cho nhóm cổ phiếu công nghệ trước những ảnh hưởng nặng nề nhất của cú sụp đổ của thị trường.

Nhà đầu tư đang ngày càng yêu thích các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn, chứ không phải ngược lại. Đóng cửa phiên 2/7, chỉ số Nasdaq 100 tăng 5% so với đầu tuần, cao hơn cả mức tăng 4% của S&P 500. 

Các chỉ số chứng khoán chính đi lên bất chấp số ca nhiễm COVID-19 trên toàn nước Mỹ tiếp tục gia tăng, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng nền kinh tế hồi phục nhanh chóng.

Tỉ suất lợi nhuận vượt trội của cổ phiếu công nghệ đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong bối cảnh nửa cuối năm đã bắt đầu. Chỉ số Nasdaq 100 đã đi lên 18% so với đầu năm, một thành tích khiến S&P 500 và Dow Jones phải "hít khói". 

Với cách biệt lên đến 21,5 điểm phần trăm, chênh lệch giữa tỉ suất sinh lời từ đầu năm đến nay giữa Nasdaq 100 và S&P 500 đang ở mức cao kỉ lục. 

Những người hoài nghi cho rằng cổ phiếu công nghệ đã tăng "quá nhanh quá nguy hiểm". Luận điểm của họ được hỗ trợ bởi một vài chỉ báo động lượng.

Nasdaq 100 hiện tại đã đi lên rất cao so với đường trung bình động 200 ngày (MA 200), cách biệt gần 20%. Mức độ hưng phấn của nhà đầu tư hiện đang bằng với mức đỉnh của thị trường hồi tháng 2.

Nasdaq 100 tăng quá nhanh quá nguy hiểm, chứng khoán Mỹ có bong bóng công nghệ thứ hai? - Ảnh 2.

Chứng khoán Mỹ cũng vừa đạt được một cột mốc khác trong tuần này: Khoảng cách giữa tỉ suất sinh lời của Nasdaq 100 và S&P 500 đã vượt qua đỉnh năm 2000. 

Đối với người nghi ngờ, riêng việc này cũng đủ gợi nhớ về bong bóng công nghệ.

Tuy nhiên, trong mắt các tín đồ cổ phiếu công nghệ, cột mốc này lại là lí do để duy trì quan điểm lạc quan. Rõ ràng những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Microsoft hiện kiếm được nhiều tiền hơn hẳn so với 20 năm trước.

Trong năm trước khi bong bóng công nghệ đổ vỡ, lợi nhuận của tất cả công ty trong Chỉ số Công nghệ thông tin S&P 500 cộng lại vào khoảng 50 tỉ USD. Năm ngoái, con số này là 240 tỉ USD.

Do vậy, dù chỉ số Nasdaq 100 đã quay trở lại thời hoàng kim trong quá khứ, nhưng khả năng sinh lợi của chỉ số này lại lớn gấp gần 5 lần so với 20 năm trước. Đó là một trong những lí do nhà quản lí Bradshaw của Hodges Capital Management lại nắm giữ cổ phiếu những công ty lớn nhất như Apple, Microsoft, Amazon và Facebook trong danh mục.

Ông Bradshaw nói: "Tốc độ tăng doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền của những công ty này cao hơn hầu hết những công ty khác. Tình hình hiện nay không giống với đỉnh điểm bong bóng công nghệ hồi tháng 3/2000 khi mà thị trường sụp đổ ngay sau đó. Vì trong quá khứ, rất nhiều công ty công nghệ chỉ mải miết đốt tiền".

Nasdaq 100 tăng quá nhanh quá nguy hiểm, chứng khoán Mỹ có bong bóng công nghệ thứ hai? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ cũng có một số dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang lo lắng.

Trong vòng 5 năm qua, chỉ số VIX Nasdaq 100 (VXN) thường cao hơn chỉ số VIX ba điểm. Trong năm 2020, khoảng cách này đã được thu hẹp ba lần trong bối cảnh nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu vốn hóa siêu lớn. Nhưng đến tuần này, chỉ số VIX Nasdaq 100 lại cao hơn chỉ số VIX trong mọi phiên giao dịch.

Chỉ số VIX (Chicago Board Option Exchange – CBOE) thường được coi là thước đo sự sợ hãi của thị trường chứng khoán. Chỉ số VIX cung cấp thước đo độ rủi ro của thị trường và tâm lí của nhà đầu tư.

Ông Tim Courtney, Giám đốc đầu tư của Exencial Wealth Advisors nói: "Tôi hơi lo rằng thị trường chung đang đi lên quá nhanh chóng, đặc biệt là chỉ số Nasdaq. Khi nhìn vào định giá của các cổ phiếu tăng trưởng và có vốn hóa lớn so với toàn bộ thị trường, rõ ràng định giá của nhóm công nghệ này đang quay lại phạm vi trong những năm 2000".

Giang