|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hai quyết định của Arab Saudi khiến thị trường hoài nghi về nhu cầu dầu mỏ

15:52 | 09/11/2023
Chia sẻ
Hai quyết định gần đây của Arab Saudi cho thấy mối quan ngại của nước này trước triển vọng nhu cầu dầu thô thế giới. Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới cho biết sẽ giữ nguyên giá dầu thô cho các lô hàng xuất khẩu sang châu Á vào tháng 12. Đồng thời, nước này tuyên bố duy trì việc giảm sản lượng đến cuối năm nay.

Giữ nguyên giá bán dầu cho thị trường châu Á

Theo Reuters, đầu tuần này, gã khổng lồ dầu khí Saudi Aramco cho biết sẽ giữ giá bán dầu thô  Arab Light ổn định cho các nhà máy lọc dầu châu Á đối với các lô hàng giao trong tháng 12. Mức giá này sẽ cao hơn 4 USD/thùng so với mức trung bình của Oman/Dubai.

Điều này đã chấm dứt chuỗi 5 đợt tăng giá liên tiếp của Arab Light. Thời gian qua, tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á giảm vì phải đối mặt với chi phí dầu thô cao hơn trong khi họ cũng không hoàn toàn đưa những phần tăng thêm đó vào giá bán.

Do vậy, việc Arab Saudi giữ nguyên giá Arab Light cho thị trường châu Á là điều nhiều nhà máy lọc dầu kỳ vọng. Lợi nhuận của một nhà máy lọc dầu điển hình tại Singapore tính đến 6/11 đạt hơn 4 USD/thùng, tăng so với mức 1,45 USD/thùng ghi nhận hôm 20/10. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh năm 2023 ghi nhận hồi tháng 8 là 15,4 USD/thùng. 

Cũng có khả năng nhu cầu yếu hơn đối với các sản phẩm đã lọc hoá dầu ở châu Á trong bối cảnh kinh tế bất ổn đã dẫn đến quyết định của Aramco giữ nguyên giá dầu Arab Light.

Trước đó, thị trường lo ngại về nguồn cung do sự bùng nổ của cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, mối lo đã giảm bớt trong những ngày gần đây do không có sự gián đoạn thực sự trong các chuyến hàng dầu từ Trung Đông.

Điều đáng chú ý là Aramco đã tăng giá bán cho dầu thô Arab Extra Light của mình, một loại có chất lượng tương tự như các loại dầu chuẩn toàn cầu Brent và WTI. Theo đó, mức chênh lệch của lô hàng giao trong tháng 12 so với dầu Oman/Dubai nâng lên 4 USD/thùng, cao hơn mức 3,35 USD/thùng cho hợp đồng giao trong tháng 11. 

Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là các nhà máy lọc dầu ở châu Á có khả năng tìm đến nguồn hàng rẻ hơn từ Lưu vực Đại Tây Dương, đặc biệt vì chênh lệch giữa Brent và dầu của Dubai đang có xu hướng thu hẹp trong những tuần gần đây.

Hôm 7/11, mức chênh lệch là 47 US Cent/thùng, giảm mức so với ngưỡng 4,15 USD/thùng ghi nhận hôm 28/9. 

 Nguồn: LSEG, Reuters (H.Mĩ Việt hoá)

Tiếp tục giảm sản lượng

Hôm 5/11, Arab Saudi cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng mỗi ngày, xuống còn 9 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới.

Vương quốc này đã bắt đầu cắt giảm sản lượng bổ sung vào tháng 7 bên cạnh các mức cắt giảm đã được thỏa thuận với tư cách là một phần của nhóm OPEC+. 

Việc gia hạn cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày có lẽ là sự thừa nhận ngầm rằng nhu cầu dầu thô không mạnh như OPEC mong đợi.

Điều đáng chú ý là dầu được sản xuất và xuất khẩu trong tháng 12 chỉ đến tay các nhà máy lọc dầu ở châu Á vài tuần sau đó. Nói cách khác, Arab Saudi có thể không lường trước được liệu rằng nhu cầu dầu thô có tăng đột biến trong quý đầu tiên của năm 2024 hay không. 

Theo dữ liệu do LSEG tổng hợp, nhập khẩu dầu thô của châu Á cho thấy khả năng phục hồi nhất định trong tháng 10, tăng lên 27,36 triệu thùng/ngày từ 26,6 triệu thùng/ngày trong tháng 9.

Tuy nhiên, lượng nhập khẩu trong tháng 10 chỉ là mức cao thứ 6 trong năm 2023 tính theo đơn vị thùng/ngày. Điều này cho thấy khu vực nhập khẩu hàng đầu thế giới đã mất đi phần nào nhu cầu nhập khẩu dầu thô trong nửa cuối năm nay.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, đạt 11,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tăng so với 11,2 triệu thùng/ngày trong tháng 9, nhưng cả hai tháng này đều giảm so với 12,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8.

Giá dầu thô Brent giao sau tăng từ mức thấp 71,6 USD/thùng vào ngày 28/6 lên mức cao 97,7 USD/thùng vào ngày 28/9 do Arab Saudi cùng các nước đồng minh nhóm OPEC+ thắt chặt nguồn cung. 

Sau đó, giá dầu Brent đã giảm xuống quanh mức 84,8 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch hôm 7/11. 

Tuy nhiên, mức giá cao trong tháng 8,9 có thể phản ánh vào các đơn hàng cuối năm do độ trễ thời giao hàng. 

 

H.Mĩ

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.