Lệnh áp giá trần dầu thô Nga kém hiệu quả vì cước vận chuyển rẻ
Theo Reuters, sự xuất hiện của các hãng vận tải biển mới bên ngoài phương Tây cho phép các công ty Nga bán được dầu thô cao hơn mức trần 60 USD/thùng mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt thông qua các lệnh trừng phạt.
Điều đó cũng có nghĩa là việc thực thi giới hạn giá sẽ có tác động hạn chế đến doanh thu của Nga.
Hôm thứ Năm (12/10), Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu vượt quá giới hạn của Nga. Trong đó, có một tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ và một tàu ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Động thái này nhằm thu hẹp các lỗ hổng trong cơ chế được thiết kế để trừng phạt Moscow.
Các nước G7 đã áp đặt lệnh trừng phạt vào tháng 12/2022, cấm các chủ tàu hoặc công ty bảo hiểm có trụ sở tại các nước thành viên cung cấp dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu dầu của Nga khi giá trên 60 USD/thùng.
Các biện pháp trừng phạt không áp dụng đối với các công ty vận chuyển hoặc công ty bảo hiểm từ các quốc gia khác.
Khi lệnh trừng phạt được áp dụng, hầu hết tàu tham gia buôn bán đều đến từ phương Tây. Nếu giá dầu ở mức trên 60 USD vào thời điểm đó, các lệnh trừng phạt sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, giá dầu của Nga hầu như chỉ tăng trên 60 USD trong tháng 7. Điều đó có nghĩa là các thương nhân, công ty vận tải và nhà xuất khẩu Nga có nhiều tháng để chuẩn bị.
Trong thời gian đó, các thương nhân sẵn sàng chộp lấy các tàu chở dầu cũ và những tàu chở dầu khác đã được đăng ký lại ở các quốc gia không áp dụng lệnh trừng phạt.
Theo phân tích từ nền tảng hàng hải Lloyd's List Intelligence, số lượng tàu chở dầu hoạt động ngầm ước tính lên tới 535 tàu với độ tuổi trung bình là 23 năm. Đồng thời, Lloyd's List Intelligence cho biết thêm rằng 2/3 số tàu chở dầu này không có bảo hiểm.
“Chỉ cần các chính phủ sử dụng các dịch vụ tài chính, kỹ thuật và vận chuyển như một công cụ chính sách đối ngoại một cách dễ hiểu để kiểm soát thương mại, sẽ có những người tìm cách làm việc đó mà không phạm luật,” ông Mike Salthouse, Giám đốc đối ngoại của công ty bảo hiểm tàu biển hàng đầu NorthStandard trả lời Reuters.
Rất nhiều tàu sẵn sàng chở đầy dầu của Nga ra khơi nên giá cước vận chuyển đã giảm và mang lại cho các nhà sản xuất Nga nhiều doanh thu hơn.
Theo các thương nhân và tính toán của Reuters, người bán dầu thô Urals của Nga đã tiết kiệm khoảng 7 USD/thùng tiền cước vận chuyển trong mùa thu năm nay so với mùa đông năm ngoái ngay sau khi giới hạn giá được áp dụng.
Điều đó có nghĩa là các nhà xuất khẩu đang kiếm được khoảng 70 USD/thùng dầu khi xuất đi từ cảng Baltic, theo tính toán của Reuters, cao hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD.
Khi giá dầu đạt mức cao nhất trong tháng 9 là 97 USD/thùng, các nhà xuất khẩu Nga đã kiếm được tới 79 USD/thùng.
Các thương nhân cho biết giá cước vận chuyển dầu thô Urals của Nga tới châu Á trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi thực hiện giới hạn giá.
Chi phí cho chuyến hành trình chở dầu 100.000 tấn từ các cảng Baltic đến Ấn Độ đã giảm xuống còn 4,8-5,2 triệu USD (khoảng 7 USD/thùng) cho các lô hàng giao vào tháng 10, từ mức hơn 15 triệu USD (khoảng 14 USD/thùng) vào đầu năm 2023.
Giá cước vận chuyển cũng giảm sau khi Nga đồng ý giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, Nga vẫn xuất khẩu gần 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong năm nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết tổng lượng xuất khẩu dầu và nhiên liệu của Nga đã tăng lên 7,6 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Các nguồn tin cho biết chi phí vận chuyển cho lô hàng Urals nặng 140.000 tấn từ cảng Novorossiysk ở Biển Đen của Nga đến Ấn Độ trung bình khoảng 4,1 triệu - 4,2 triệu USD mỗi chuyến trong tháng 10, giảm từ khoảng 5 triệu USD trong những tháng mùa hè.
Các quan chức phương Tây lập luận rằng mức trần giá đang có tác dụng ngay cả khi các nhà sản xuất dầu của Nga có thể bán ở mức trên 60 USD/thùng. Bởi, Nga vẫn đang bán dầu với giá thấp hơn mức lẽ ra họ được nhận nếu không có lệnh trừng phạt. Ngoài ra, nước này có ít khách hàng hơn và ít nhà cung cấp dịch vụ hơn trước đây.
Một mối quan tâm chính khác đối với Mỹ và các chính phủ khác khi họ áp đặt các lệnh trừng phạt là ngăn chặn sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu vốn có thể khiến giá dầu tăng cao hơn nữa.