|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hải quan Mỹ không quan tâm... chứng nhận xuất xứ của Việt Nam

06:59 | 18/07/2019
Chia sẻ
Ở thời điểm hiện tại, khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra, câu hỏi luôn được cán bộ hải quan Mỹ đặt ra ngay lập tức với hàng nhập khẩu từ Việt Nam là nó có thực từ Việt Nam và sẽ làm mọi thứ để tìm ra sự thực. 
Cán bộ hải quan Mỹ lúc này, không quan tâm đến chứng nhận xuất xứ (C/O) từ Việt Nam mà cơ quan chức năng Việt Nam cấp.

Hải quan Mỹ không quan tâm... chứng nhận xuất xứ của Việt Nam - Ảnh 1.

Các chuyên gia đưa ra nhiều lời khuyên với doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào Mỹ. Ảnh: Minh Tâm

“Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”

Ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA), người vận hành một doanh nghiệp về tư vấn, môi giới hải quan cho biết, lý do khiến các cán bộ hải quan Mỹ đặt ra câu hỏi kể trên là vì hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào Mỹ có tên Việt Nam, trong khi trước đây phần lớn là công ty Trung Quốc.

Và để tìm ra câu trả lời, hải quan Mỹ có đủ công cụ và phương pháp. Họ không quan tâm đến các C/O, không chấp nhận 100% hồ sơ chứng từ mà doanh nghiệp nộp. “Hàng hóa của ai không đồng nghĩa với hàng hóa có xuất xứ ở nước đó. Họ sẽ xem xét, thu thập thông tin và trong nhiều trường hợp là tổng điều tra. 

Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần cung cấp thông tin cụ thể, công khai minh bạch”, ông Nestor Sherbey nói tại cuộc hội thảo “Từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?” diễn ra ngày 16-7 tại TPHCM.

Trong trường hợp xuất xứ Việt Nam không được chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ bị trừng phạt nặng nề. Với những trường hợp là lừa đảo, kiểu tạm nhập tái xuất thì dù hàng đưa đến đâu, hải quan Mỹ vẫn có thể trừng phạt, các phán quyết được thực thi với các doanh nghiệp vì đã có thỏa thuận với hải quan các nước.

Hiện tại, đang có trường hợp, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ xác định 36 hoạt động vi phạm của một công ty và mức phạt lên tới 62 triệu đô la Mỹ. Tất nhiên, đây chưa phải là phán quyết cuối cùng nhưng tinh thần là "thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.

Cũng theo ông Nestor Sherbey, hiện tại, cơ quan hải quan Mỹ đã có văn phòng đại diện ở Thái Lan. 90% vụ việc đơn vị này đang giải quyết là chuyện hàng hóa từ Trung Quốc chuyển đến Thái Lan, Việt Nam rồi xuất đi Mỹ nhưng không ghi xuất xứ Trung Quốc. 

Và hậu quả các doanh nghiệp phải gánh là rất nghiêm trọng. “Tôi đã chứng kiến những người bị bắt, đưa đến Mỹ để xử lý khi hiệp định dẫn độ đã được ký kết giữa các nước”, vị chuyên gia này nói thêm.

Cơ quan hải quan Mỹ cũng đưa ra những phán quyết về xuất xứ với những trường hợp cụ thể. Một trường hợp có thật đang được đưa ra làm mẫu là mặt hàng ván phủ veneer từ sợi. Theo đó, một công ty Mỹ đã yêu cầu cơ quan hải quan Mỹ đưa ra phán quyết khi nhập khẩu hàng từ công ty Việt Nam trong trường hợp gỗ đến từ Mỹ, sau đó vận chuyển sang Trung Quốc, trải qua nhiều giai đoạn sản xuất phức tạp để cho ra sản phẩm ván phủ veneer từ sợi. 

Sản phẩm sau đó được đóng hộp, xuất sang Việt Nam rồi được cắt ra đóng thành bàn ghế và xuất ngược lại Mỹ. Với đường đi như vậy, mã HS của sản phẩm đã thay đổi.

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ cần đăng ký một phán quyết có tiền lệ để biết trước sẽ được đối xử và ứng xử thế nào. Đó là cách để đảm bảo cho khách hàng Mỹ, vốn muốn mua hàng từ Việt Nam, tránh những lo ngại về việc có thể gặp rủi ro.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký một phán quyết mới để đảm bảo chắc chắn là hàng hóa đến từ Việt Nam để khách hàng tin tưởng. Đây cũng là cách làm thương hiệu hiệu quả.

Chuyên gia hải quan này cũng lưu ý, các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Mỹ cần vô cùng thận trọng và lưu trữ tất cả số liệu liên quan. Doanh nghiệp cần thực hiện mọi quy định một cách đúng đắn nhất để tránh bị trừng phạt không đáng có cũng như chịu những chi phí cực lớn. 

Và một trong những cách làm là nên có sự tư vấn, hỗ trợ từ các đơn vị chuyên nghiệp.

Nghi ngờ và hành động

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fullright, nếu không có tình trạng chuyển tải, quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam thì xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ không thể có đột biến. 

Bởi lẽ, nhìn những mặt hàng mà Mỹ đang áp thuế cao với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam lâu nay chỉ khoảng 13 tỉ đô la Mỹ, tương đương 6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, khi có bất thường thì cần đặt nghi vấn về chuyển tải.

Và nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu ở hai mặt hàng điện tử và gỗ nội thất thì thấy có sự "không ngẫu nhiên". Trong 5 tháng đầu năm, hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 81% nhưng xuất khẩu đi Mỹ tăng 72%. 

Tương tự, hàng gỗ nội thất cũng lần lượt tăng tương ứng 35% và 35%. “Tất nhiên chưa có đủ bằng chứng nhưng hoàn toàn có thể đặt nghi vấn và cần có cuộc điều tra để tránh bài học đau đớn như đã xảy ra với mặt hàng thép”, ông Tự Anh nói.

Cũng theo tiến sĩ Tự Anh, lúc này đây, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất là đối thoại với Mỹ và Trung Quốc để cho thấy hai bên nhận thức được vấn đề và tránh những rủi ro không cần thiết.

Kế tiếp, cần cảnh báo với doanh nghiệp về câu chuyện nếu vì lợi trước mắt sẽ có thể ảnh hưởng tới cả ngành lẫn nền kinh tế.

Đặc biệt, về luật pháp, cần có thêm các biện pháp thi hành, theo dõi giám sát đặc biệt với hàng Trung Quốc quá cảnh, không tạo ra những thay đổi đáng kể.

“Đây là công việc của Chính phủ, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp để không rơi vài tình cảnh chưa thấy lợi đâu mà đã gặp hại”, ông Tự Anh nói và nhấn mạnh, chính sách phải mạch lạc và có tính cưỡng chế thi hành.

Cũng theo tiến sĩ Tự Anh, thương chiến Mỹ - Trung, cũng chỉ là một cơ hội bên ngoài, giống như nhiều cơ hội khác đã đến với Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của doanh nghiệp không bao nhiêu.

 Vấn đề nằm ở nội lực của doanh nghiệp cũng như những vấn đề nội tại như năng lưc cạnh tranh, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cao…

Minh Tâm

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.